Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ, ông Steven Mnuchin vừa công bố danh sách trừng phạt các cá nhân, tổ chức của Trung Quốc và Nga. Những cá nhân và tổ chức này bị cáo buộc ủng hộ chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Đại sứ quán Nga chưa phản hồi về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ, ông Steven Mnuchin
Theo đài CNN (Mỹ), cùng với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên được LHQ thông qua đầu tháng này, các lệnh trừng phạt của Mỹ công bố ngày 22-8 nhằm mục tiêu cô lập hơn nữa những cá nhân và công ty bên ngoài Triều Tiên được cho là đang giữ vai trò ủng hộ chính cho tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong thông cáo, Bộ tài chính Mỹ nêu rõ sẽ phong tỏa mọi tài sản tại Mỹ của những tổ chức, cá nhân đó và nghiêm cấm họ hợp tác, làm ăn với Bình Nhưỡng.
Cụ thể các lệnh trừng phạt nhắm vào 16 thực thể kinh tế và cá nhân liên quan. Trong đó có 6 công ty của Trung Quốc, 1 của Nga, một của Triều Tiên và 2 công ty tại Singapore. 6 cá nhân gồm 4 người Nga, 1 người Trung Quốc và 1 người Triều Tiên.
Đây là những cá nhân và tổ chức đã hỗ trợ "những người tham gia ủng hộ các chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, làm ăn trong lĩnh vực thương mại năng lượng với Triều Tiên, tạo điều kiện cho quá trình xuất khẩu lao động và giúp các đơn vị bị trừng phạt của Triều Tiên tiếp cận được hệ thống tài chính quốc tế".
Bộ trưởng tài chính Mỹ Steve Mnuchin khẳng định: "Bộ tài chính sẽ tiếp tục gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng bằng cách trừng phạt những người đã ủng hộ việc phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, cô lập họ với hệ thống tài chính Mỹ".
Các thực thể kinh tế của Trung Quốc và Nga, trong đó có các công ty năng lượng, than đá và buôn bán dầu mỏ, xuất khẩu lao động và đối tác hỗ trợ Bình Nhưỡng lẩn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế, đã bị liệt kê là những mục tiêu trước tiên mà các lệnh trừng phạt vừa công bố của Mỹ nhắm tới.
Cũng giống như nghị quyết LHQ thông qua đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ xác định việc "tận diệt" những yếu tố trong mạng lưới buôn bán than đá của Triều Tiên là một ưu tiên.
Ngành công nghiệp than đá đã mang lại thu nhập 1 tỉ USD mỗi năm cho chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Đây là một phần ngân sách quan trọng để Bình Nhưỡng thực hiện các chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của họ.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ chỉ rõ 3 công ty kinh doanh than đá của Trung Quốc bị trừng phạt là Dandong Zhicheng Metallic Materials, JinHou International Holding và Dandong Tianfu Trade.
Trong khoảng thời gian từ 2013-2016, ba công ty này đã nhập khẩu gần nửa tỉ USD giá trị than đá của Triều Tiên.
Công ty Gefest-M LLC có trụ sở tại Matxcơva và giám đốc người Nga của công ty này, ông Ruben Kirakosyan, cũng bị liệt vào danh sách trừng phạt.
Dù vậy, việc những lệnh trừng phạt mới này của Mỹ có giúp kéo chậm lại các tham vọng phát triển tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên hay không sẽ còn phải chờ xem. Nhất là trong bối cảnh Triều Tiên gần đây tuyên bố đã phát triển thành công đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa đạn đạo.
Theo hãng tin Reuters, sau động thái trừng phạt của Mỹ, chính quyền Trung Quốc phản ứng gay gắt. Bắc Kinh cho rằng Washington nên "lập tực sửa sai" khi đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt với các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc để tránh gây tổn hại cho quan hệ bang giao giữa hai nước.
Đại sứ quán Nga chưa phản hồi về vấn đề này.