Tổng thống Philippines từ khi nhậm chức đã gây bão mạng với những phát ngôn gây sốt. Mới đây, ông Duterte nói Oxford là trường cho người ngu. Oxford công bố nghiên cứu tổng thống Philippines đã chi bội tiền để tăng nổi tiếng trên mạng.
Tổng thống Philippines Duterte phát biểu trước hạ viện hôm 24/7
Nghiên cứu có tên "Đội quân, Thông điệp chọc tức và những kẻ gây rối: Bản đánh giá toàn cầu về mánh khóe mạng xã hội có tổ chức", đã nghiên cứu chiến lược mà các đảng phái chính trị và ứng viên ở 28 quốc gia sử dụng để truyền bá thông điệp của đảng và làm tăng số lượng người tương tác trên mạng xã hội, theo Telegraph.
Theo nghiên cứu, chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Duterte đã chi 200.000 USD vào mạng xã hội để người dân và các nhóm ủng hộ và bênh vực ông trên mạng.
Duterte thừa nhận đã trả tiền thuê người bênh vực ông trên mạng xã hội, nhưng khẳng định điều này chỉ diễn ra trong mùa vận động. Ông bác bỏ ý kiến cho rằng việc đó vẫn tiếp diễn sau khi ông đắc cử.
"Bây giờ tôi không cần phải làm thế nữa. Tôi không cần phải bảo vệ bản thân trước những lời công kích. Tôi đã nói rõ quan điểm trong lễ nhậm chức và trong chiến dịch", ông nói trong buổi họp báo hôm 24/7. "Đại học Oxford ư? Đó là trường cho người ngu".
Nghiên cứu của đại học Anh Oxford khẳng định tại Philippines, "nhiều người được gọi là 'keyboard trolls' (những người chuyên gửi thông điệp chọc tức qua bàn phím) đã được thuê để tuyên truyền cho ứng viên tổng thống Duterte trong quá trình bầu cử diễn ra. Họ vẫn tiếp tục hoạt động để khuếch đại thông điệp ủng hộ chính sách hiện hành của ông Duterte".
Ông Duterte là cựu thị trưởng thành phố Davao, nam Philippines, đắc cử tổng thống năm 2016 với cam kết xóa bỏ tệ nạn ma túy và tình trạng vô luật pháp.
Các quan chức chính phủ Philippines nói rằng nhờ chiến dịch chống ma túy do Duterte khởi xướng, tỷ lệ tội phạm đã giảm đáng kể, hàng nghìn kẻ buôn bán ma túy bị đưa vào nhà đá, một triệu con nghiện đăng ký tham gia các chương trình cai nghiện ma túy và thế hệ tương lai của Philippines đang được bảo vệ trước tệ nạn này.
Các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, giới luật sư và Giáo hội Công giáo Philippines chỉ trích chiến dịch đẫm máu khiến hơn 5.000 người thiệt mạng mà theo họ, hầu hết nạn nhân đều là những con nghiện và những kẻ buôn bán ma túy nhỏ lẻ. Trong khi đó, những kẻ cầm đầu đường dây buôn bán ma túy với lợi nhuận béo bở phần lớn vẫn chưa bị phát hiện và bắt giữ.