Các nhà chức trách Mỹ phải mất nhiều tháng "ngoại giao thầm lặng" mới có thể đưa sinh viên Otto Warmbier trở về nước.
Người có công lớn nhất trong việc này là đặc phái viên Joseph Yun. Ông cũng là một trong số ít những người đặt chân tới Triều Tiên trong thời gian gần đây, và là người đã thương lượng để Bình Nhưỡng trao trả tự do cho chàng sinh viên 22 tuổi Warmbier, theo New York Times.
Thông tin mới xuất hiện hôm 15/6 về chuyến đi ngắn của ông Yun tới Bình Nhưỡng càng cho thấy mức độ xa cách giữa Mỹ và Triều Tiên. Bởi theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, thời điểm ông Yun tận mắt thấy Warmbier nằm tại một bệnh viện ở Triều Tiên cũng là lần đầu tiên Mỹ xác nhận được chính xác tình trạng của anh này kể từ lúc Warmbier bị kết án hồi đầu năm ngoái, chuyên gia nhận định.
Đối với ông Yun, chuyến đi tới Triều Tiên thực chất là kết quả kết tinh từ hàng loạt cuộc đối thoại khéo léo nhưng hiếm hoi giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên diễn ra từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ. Tất cả bắt đầu ở Na Uy, quốc gia đóng vai trò trung gian, rồi chuyển tới New York, nơi ông Yun gặp mặt và trao đổi với những nhà ngoại giao Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc.
Warmbier là sinh viên Đại học Virginia, bị bắt đầu năm 2016 trong lúc đang tham gia một tour du lịch Triều Tiên. Warmbier bị kết án 15 năm tù khổ sai hồi tháng ba năm ngoái sau khi thú nhận cố trộm một băng-rôn tuyên truyền tại khách sạn ở Bình Nhưỡng. Triều Tiên cáo buộc Warmbier tội "âm mưu lật đổ" chính quyền.
Việc vì sao và bằng cách nào Warmbier rơi vào tình trạng hôn mê khi ở Triều Tiên hiện chưa rõ ràng. Gia đình cho biết phía Triều Tiên khẳng định Warmbier hôn mê là do ngộ độc và lạm dụng thuốc ngủ. Tuy nhiên, các bác sĩ Mỹ nói họ không phát hiện dấu hiệu ngộ độc ở Warmbier. Hệ thần kinh của anh bị tổn thương nghiêm trọng vì thiếu oxy lên não.
Dù Warmbier rơi vào hôn mê đã hơn một năm nay, phía Mỹ không hề biết điều này chỉ cho tới khi ông Yun nhìn thấy anh tại một bệnh viện ở Bình Nhưỡng cách đây không lâu.
Công cuộc "ngoại giao thầm lặng", như cách mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi, được tiến hành đúng thời điểm Triều Tiên gia tăng các cuộc thử nghiệm tên lửa và Washington quyết định tăng cường gây áp lực lên Bình Nhưỡng.
Ngoại giao thầm lặng
Hồi tháng hai, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thông báo sơ bộ cho Tổng thống Trump về tình hình các công dân bị Triều Tiên bắt giữ. Ông Trump đã ra lệnh cho ông Tillerson làm mọi việc có thể để bảo đảm việc trao trả tự do cho họ diễn ra thuận lợi.
Đến tháng 5, ông Yun có cuộc gặp quan trọng với một số quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Triều Tiên ở thủ đô Oslo, Na Uy. Phía Triều Tiên đồng ý để các nhà ngoại giao Thụy Điển, đại diện cho lợi ích Mỹ ở Triều Tiên, thăm những tù nhân Mỹ, bao gồm cả Warmbier. Không lâu sau đó, Bình Nhưỡng liên lạc với Washington, yêu cầu một cuộc họp riêng khẩn cấp.
Ngày 6/6, ông Yun gặp đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York và được thông báo về tình trạng sức khỏe của Warmbier. Vài ngày sau, Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ thảo luận tình hình. Ông Tillerson phái ông Yun sang Triều Tiên "với mục tiêu đưa Otto trở về Mỹ", theo thông tin từ Nhà Trắng.
Ông Yun cùng hai bác sĩ lên một máy bay riêng để tới Triều Tiên và hạ cánh ở Bình Nhưỡng vào ngày 12/6. Tại đây, họ được đưa tới bệnh viện để gặp Warmbier. Yun yêu cầu Triều Tiên trả tự do cho anh. Ngày hôm sau, ông cùng các bác sĩ đưa Warmbier lên máy bay trở về Ohio đoàn tụ với gia đình.
Đến nay, ông Yun vẫn chưa nói chuyện với truyền thông. Nhà chức trách Mỹ trong khi đó né tránh hầu hết các câu hỏi về gia đình Warmbier. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề, khi ở Bình Nhưỡng, ông Yun đã nỗ lực để gặp ba công dân Mỹ còn lại trong tay Triều Tiên, mang về nhiều thông tin hữu ích về tình trạng của họ. Song chính quyền Mỹ từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
VietBF © Sưu tập