Sau Ả Rập, điểm đến tiếp theo của ông Trump là Israel. Tại nơi đây, ông sẽ hàn gắn quan hệ đồng minh với nước này và thực hiện hóa di sản “Hòa bình Trung Đông”.
Sau hai ngày tại Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Tel Aviv nhằm tìm kiếm hòa bình cho hai nước Israel và Palestine.
Chuyến đi của ông đến Israel lần này cũng nhằm giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và tái khẳng định cam kết của Mỹ với đồng minh Tel Aviv. Trong 2 ngày ở đây, ông Trump đều có cuộc gặp riêng rẽ với cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và đến thăm những khu vực tranh chấp nhạy cảm như thánh địa Jerusalem và khu Bờ Tây.
Người Palestine chuẩn bị áp phích chờ đón Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters
NỐI LẠI ĐÀM PHÀN HÒA BÌNH TRUNG ĐÔNG
Tổng thống Trump đã thề sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để mang đến hòa bình cho Israel và Palestine, nhưng cho đến nay chưa có kế hoạch hành động cụ thể trong việc khôi phục lại các cuộc đàm phán kéo dài giữa hai bên.
Khi gặp Tổng thống Abbas hồi đầu tháng này, ông Trump thậm chí không tái cam kết về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ, nền tảng lâu dài trong chính sách Mỹ về vấn đề Trung Đông. Người Palestine đã thất vọng bởi sự thiếu sót này. Với Israel, ông Trump cũng chọn cách không tiếp tục đả động đến việc dời Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv đến Jerusalem, vùng đất tranh chấp giữa Israel và Palestine. Việc này lại làm phật ý Israel. Phát biểu trước khi đón tiếp Tổng thống Trump, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố “Jerusalem sẽ mãi là thủ đô” của quốc gia này.
Địa vị pháp lý và ngoại giao của Jerusalem là một trong những điểm vướng mắc chủ yếu trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Israel coi toàn bộ thành phố này là thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt nhà nước Do Thái. Trong khi đó, người Palestine muốn đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ. Cộng đồng quốc tế coi tất cả các khu định cư Do Thái tại đông Jerusalem và Bờ Tây là bất hợp pháp, kể cả những khu được chính quyền Israel cấp phép xây dựng. Hoạt động định cư của Israel bị xem là trở ngại chính đối với các nỗ lực hòa bình này, vì các khu định cư được xây dựng trên vùng đất người Palestine xác định là nhà nước Palestine trong tương lai.
Vòng hòa đàm gần đây nhất giữa Israel và Palestine đổ vỡ vào năm 2014. Và trách nhiệm đặt ra cho ông Trump lần này là kéo hai bên trở lại bàn đàm phán vốn kéo dài dai dẳng này.
THÁCH THỨC TO LỚN
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Trump có những dấu hiệu mệt mỏi với một lịch trình bận rộn. Ông đang thực hiện chuyến đi kéo dài 9 ngày qua Trung Đông và Châu Âu, kết thúc vào ngày 27-5 tới sau chuyến thăm Vatican, Brussels và Sicily.
Và chuyến đi đến Israel còn nhiều thách thức hơn thế nữa. Trên thực tế, bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng đều phải đối mặt với một thách thức to lớn khi tìm cách đưa người Israel và Palestine ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Và việc thiếu kinh nghiệm chính trường của ông Trump cùng các cuộc đấu tranh chính trị trong nước sẽ càng làm tăng thêm thách thức này. Ông Trump đã nói về những việc đi đến một “thỏa thuận cuối cùng” trong tương lai và thề rằng “chúng tôi sẽ làm được điều đó”. Nhưng ông Trump cho đến nay vẫn đang gửi các tín hiệu hỗn hợp về cách ông sẽ tiếp cận cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Đó là chưa kể những thách thức đến từ Iran, một cường quốc trong khu vực vốn đã từng đe dọa sẽ “xóa sổ Israel khỏi bản đồ thế giới”.
VietBF © sưu tầm