VBF-Hàn Quốc đang trong tình trạng lo sợ khi Bắc Triều Tiên vừa thử tên lửa đạn đạo. Vũ khí lợi hại này đã làm cho Nam Hàn chưa kịp phản ứng và chắc chắn không thể ngăn chặn tên lửa vừa diễn ra. Hiện tại Hàn Quốc cũng đang phát triển nhiều vũ khí tối tân để chống lại thách thức Triều Tiên.
Hàn Quốc tin Triều Tiên vừa thử tên lửa đạn đạo Nodong, loại vũ khí rất khó đánh chặn với nhiều tính năng đủ sức đe dọa các nước ở khu vực Đông Á.
Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo từ căn cứ không quân Banghyon ở tỉnh Bắc Pyongan, phía tây nước này, vào lúc 7h55 sáng nay (giờ địa phương). Sau khi nghiên cứu dữ liệu thu được, quân đội Hàn Quốc tin đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong (Rodong-1) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Sputnik hôm nay đưa tin.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc cho hay loại tên lửa này có tầm bắn khoảng 1.500 km, được Triều Tiên nghiên cứu trên nền tảng tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B và biên chế từ năm 1998 tới nay. Nodong được trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1 tấn, tốc độ tối đa 8.650 km/h, gấp 7 lần tốc độ âm thanh.
Nodong là một trong những tên lửa đạn đạo có uy lực và hiệu quả nhất của Bình Nhưỡng, do đó nó rất khó bị tiêu diệt. Tên lửa có thể bay tới độ cao 160 km so với mặt đất, vượt qua giới hạn đánh chặn của tổ hợp Patriot PAC-2/3 biên chế tại Hàn Quốc, vốn được tối ưu để bắn rơi mục tiêu ở độ cao dưới 40 km.
Trước mối đe dọa này, Hàn Quốc đã phải phát triển tên lửa phòng không tầm xa L-SAM, đồng thời cho phép Mỹ triển khai tổ hợp phòng không tầm cao THAAD vào cuối năm nay.
Tên lửa Nodong trong một cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Yonhap
Các chuyên gia quân sự cho rằng Bình Nhưỡng đã lấy được thiết kế tên lửa Scud-B từ Ai Cập và Trung Quốc, sau đó phát triển phiên bản Nodong nội địa với tầm bắn và uy lực lớn hơn nhiều. Vệ tinh trinh sát của Mỹ phát hiện loại vũ khí này lần đầu tiên hồi giữa năm 1990. Triều Tiên được cho là sở hữu khoảng 300 quả tên lửa và gần 50 bệ phóng di động.
Công nghệ chế tạo Nodong cũng được Bình Nhưỡng xuất khẩu tới nhiều quốc gia để trao đổi, trong đó Iran là nước hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này. Tên lửa Shahab-3 của Iran và Hatf–5 Ghauri của Pakistan đều được phát triển trên nền tảng kỹ thuật được chuyển giao từ Triều Tiên.