Vietbf.com - Tổng thống Mỹ mong muốn từ chối hoặc tạm ngưng thỏa thuận người tị nạn với Australia sau khi ông ban hành lệnh cấm nhập cư đối với 7 quốc gia Hồi giáo. Ông gọi đây là "một thỏa thuận tồi tệ" và cho rằng phía Australia tìm cách đưa "những kẻ đánh bom trong vụ Boston" đến Mỹ, khiến báo giới Australia cho rằng Nhà Trắng có thể cố tình để lộ cuộc điện đàm Trump - Turnbull để góp phần xây dựng hình ảnh tân tổng thống Mỹ là nhà lãnh đạo cứng rắn.
Sau khi kết thúc điện đàm bằng cách nạt nộ rồi cúp máy trước thủ tướng Australia, tân Tổng thống Trump bị truyền thông Mỹ phê bình là thiếu kỹ năng ngoại giao nhưng báo chí Australia lại có cách nhìn khác.
Trump không đáng tin nhưng khôn ngoan
New York Times nói cuộc điện thoại tệ hại có thể đẩy Canberra tới gần hơn với Trung Quốc, trong khi Salon gọi đó là "một thảm họa".
Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông Australia, ông Trump lại được mô tả theo cách khác: không đáng tin cậy nhưng thông minh và cứng rắn hơn người đồng cấp Australia. Nhà Trắng có lẽ không thể hài lòng hơn với nhận xét này.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Turnbull đang là đề tài được quan tâm hàng đầu của truyền thông Australia. Ảnh: Washington Post.
"Malcolm Turnbull nghĩ ông ấy khôn ngoan hơn Donald Trump và có thể khiến ông ấy tiếp nhận 1.250 thuyền nhân tị nạn. Đó là sai lầm lớn và giờ thì ông ấy đã bị bẽ mặt", tác giả Andrew Bolt viết trên tờ Herald Sun.
"Bạn cần phải ngưỡng mộ năng lực nhận thức của Donald Trump", nhà phê bình Rita Panahi đánh giá. "Hầu hết truyền thông và công chúng phải mất hàng tháng để nhận ra thủ tướng (Turnbull) là kẻ vô dụng. Trump thì chỉ mất 25 phút".
Ông Turnbull mới đây bị cáo buộc "mua" ghế thủ tướng sau khi ông thừa nhận dùng 1,32 triệu USD tiền túi quyên tặng cho chiến dịch tranh cử của đảng Tự do. Đây được cho là khoản quyên góp chính trị từ một cá nhân lớn nhất trong lịch sử Australia.
Nước đi chiến lược của Nhà Trắng?
Trên Sydney Morning Herald, cây bút Daniel Flitton cho rằng cuộc điện đàm là "màn chỉ trích gay gắt chưa từng có của một tổng thống Mỹ đối với thủ tướng Australia".
Melbourne's The Age thì suy đoán rằng Nhà Trắng đã tận dụng Thủ tướng Turnbull như một nước đi chiến lược trong công cuộc gây dựng hình ảnh cho tân tổng thống Mỹ.
Đội ngũ của ông Trump có thể đã cố tình tiết lộ cho Washington Post vài chi tiết của cuộc điện đàm để xây dựng hình ảnh ông trong mắt công chúng thế giới là nhà lãnh đạo cứng rắn.
Truyền thông Australia cho rằng Thủ tướng Turnbull đã phải đóng vai nạn nhân của Trump do chiến lược gây dựng hình ảnh cho tân tổng thống của Nhà Trắng. Ảnh: afr.com.
Nếu muốn sắm vai người dẫn dắt trên vũ đài chính trị thế giới, ông Trump cần một đối tượng để thể hiện. Không may cho Thủ tướng Turnbull, ông phải vào vai kẻ yếu trong khi đội ngũ Trump có thể chọn bất kỳ lãnh đạo nào khác.
Phát biểu tại Điểm tâm Cầu nguyện Quốc gia ở Washington hôm 2/2, Tổng thống Trump nói với người dân Mỹ: "Nếu các bạn nghe về những cuộc điện thoại quyết liệt của tôi thì cũng đừng lo lắng. Họ cứng rắn. Chúng ta cũng phải cứng rắn".
"Đã đến lúc chúng ta trở nên quyết liệt hơn. Chúng ta hầu như bị tất cả các nước trên thế giới lợi dụng. Điều này sẽ không xảy ra nữa", ông khẳng định.
Trong chiến dịch tranh cử, tỷ phú 70 tuổi nhiều lần nói rằng các quốc gia khác lợi dụng sự hào phóng của Mỹ. Nhà báo Australia Peter Hartcher có quan điểm tương tự, cho rằng Canberra đang quá phụ thuộc vào Mỹ và có thể "cuộc gọi cực kỳ tồi tệ" giữa lãnh đạo hai nước sẽ khiến Australia trở thành quốc gia độc lập, "trưởng thành hơn".
Cuộc gọi Trump - Turnbull đang là câu chuyện lớn tại Australia và trở thành đề tài được quan tâm hàng đầu của truyền thông nước này. Các bản tin, bài báo không bàn việc tổng thống Mỹ hành động thiếu thận trọng mà lại đánh giá ông khôn ngoan, cứng rắn. Theo Washington Post cho, đây chính xác là điều Trump muốn.