Liên minh châu Âu (EU) và Serbia mới đây đã ký một thỏa thuận quan trọng để phát triển nguồn cung cấp lithium, được coi là nền tảng quan trọng để đạt được quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của châu Âu, đồng thời giúp khối này gia tăng lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu về công nghệ sạch.Thỏa thuận do Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Šefčovi, thay mặt EU, ký kết với Tổng thống Aleksandar Vucic tại Hội nghị thượng đỉnh “về nguyên liệu thô quan trọng" tại thủ đô Belgrade. Thỏa thuận cho phép các nhà sản xuất ô tô châu Âu quyền tiếp cận độc quyền với lithium của Serbia và mở đường cho việc xây dựng một trong những mỏ lithium lớn nhất trong khu vực này.
Phát biểu trước báo giới sau lễ ký kết, Thủ tướng Đức cho biết, đây là một thỏa thuận quan trọng của châu Âu, góp phần giúp châu Âu duy trì chủ quyền và độc lập trong việc cung cấp nguyên liệu thô trong một thế giới đang có nhiều biến động. Trong khi đó, ông Šefčovič cho rằng, thỏa thuận này mang đến một cơ hội lịch sử cho cả Serbia và EU, mở ra cánh cửa cho khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Serbia.Về phía Serbia, Tổng thống Aleksandar Vucic cho biết, hiện tại, nước này chỉ bán lithium cho các đối tác châu Âu, bất chấp sự quan tâm của các nhà sản xuất Trung Quốc và việc Đức đề nghị hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản xuất lithium rộng rãi hơn sẽ mang lại cho Serbia hàng tỷ đô la đầu tư. Theo kế hoạch, Serbia và EU sẽ vạch ra lộ trình vào cuối năm nay để biến những ý tưởng trên giấy tờ đi vào thực tế như hợp tác nghiên cứu và chương trình đào tạo cho nhân viên công nghệ.
Lithium là một kim loại mềm, được mệnh danh là "vàng trắng", thường được sử dụng để sản xuất pin cung cấp năng lượng cho xe điện. Serbia có mỏ lithium lớn Loznica, có thể sản xuất khoảng 58.000 tấn lithium mỗi năm, đủ để sản xuất pin cho 1,1 triệu xe điện.
Thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh EU phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về nguồn pin nhiên liệu và pin lithium-ion cho xe điện cũng như các nhu cầu của Khối này đối với lithium ngày càng gia tăng. Theo Trung tâm nghiên cứu chung của EU, nhu cầu lithium đối với pin ở EU được dự đoán sẽ tăng gấp 12 lần từ năm 2020 đến năm 2030 và nếu không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đến năm 2030 hệ sinh thái năng lượng của châu Âu có thể phụ thuộc vào Trung Quốc.
|