Cặp vợ chồng Sahatorn và Nareerat Naovaratpong đã tìm mọi cách để giữ cô con gái Matheryn Naovaratpong (biệt danh Einz) của họ sống sót. Cô bé mắc bệnh ung thư não hiếm gặp.
Khi biết những tiến bộ của y học hiện tại không thể chữa khỏi căn bệnh của con gái, cặp đôi quyết định đông lạnh não con gái mình. Vào thời điểm Einz gần lên 3 tuổi, cô bé trở bệnh nặng và dành thời gian cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi trong một căn phòng nhỏ.
Một đội nhân viên y tế từ Mỹ được cử tới hỗ trợ. Trước khi Einz qua đời, họ nhanh chóng làm mát cơ thể cô bé, thay thế tất cả chất lỏng trong cơ thể bằng một số chất chống đóng băng để không gây tổn thương mô nghiêm trọng.
Sau đó, người ta chuyển thi thể của Einz đến cơ sở y tế Alcor, bang Arizona – Mỹ, lấy não ra ngoài và bảo quản ở nhiệt độ không đổi là -196 độ C. Ngoài Einz, còn có 133 "bệnh nhân" khác tại cơ sở này và bé là người nhỏ tuổi nhất.
Cha của Einz, ông Sahatorn, chia sẻ với đài BBC: "Ngày đầu tiên Einz ngã bệnh, tôi nảy ra ý định phải làm điều gì đó dựa trên khoa học. Tôi thực sự cảm thấy mâu thuẫn về ý định (đông lạnh não) nhưng cũng muốn để con gái sống. Vì vậy, tôi bàn bạc với gia đình".
Ông Sahatorn và vợ đã xem xét kỹ thuật đông lạnh (cryonics) giúp cơ thể đóng băng sâu cho đến khi tiến bộ khoa học cho phép tạo ra một cơ thể mới. Trong trường hợp của bé Einz, chỉ có đầu và não của bé được đóng băng.
Cặp vợ chồng này có 4 người con. Tuy nhiên, bà Nareerat phải cắt bỏ tử cung sau khi sinh đứa con đầu lòng, điều đó có nghĩa là Einz và những đứa em của mình ra đời thông qua thụ tinh nhân tạo. Hai người nói rằng khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc cho ra đời những đứa con của họ nên không có lý do gì nó không thể được sử dụng để hồi sinh con người.
Cả ông Sahatorn lẫn bà Nareerat đều dự định bảo quản thi thể của họ tại Alcor sau khi chết nhưng thừa nhận có thể không bao giờ đoàn tụ được với con gái Einz.