Tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh ung thư da lên tới hơn 90% nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Ung thư da xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển trong các lớp của da. Thông thường, khi các tế bào da già và chết đi, tế bào mới hình thành để thay thế chúng. Khi quá trình này không hoạt động như bình thường, chẳng hạn sau khi tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ mặt trời, các tế bào phát triển nhanh hơn. Chúng có thể lành tính, không lây lan hay gây hại hoặc có thể là ung thư.
Theo thạc sĩ, bác sĩ CKI Phạm Trường An, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hầu hết trường hợp ung thư da có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tỷ lệ sống sau 5 năm phụ thuộc vào loại và giai đoạn ung thư.
Có ba loại ung thư da chính:
Ung thư biểu mô tế bào đáy hình thành trong các tế bào đáy ở phần dưới của lớp thượng bì (lớp bên ngoài của da).
Ung thư biểu mô tế bào vảy hình thành trong các tế bào vảy của lớp thượng bì.
Ung thư hắc tố da hình thành trong các tế bào hắc tố. Tế bào này sản xuất melanin, một sắc tố tạo ra màu sẫm cho da và giúp làn da chống lại tia UV có hại của mặt trời. Đây là loại ung thư da ác tính nhất vì có thể lan sang các khu vực khác trên cơ thể.
Ung thư biểu mô tế bào đáy và tế bào vảy có triển vọng điều trị khỏi cao hơn. Dù ung thư hắc tố da chỉ chiếm chưa đến 5% tổng số ca ung thư da, hầu hết trường hợp tử vong liên quan đến ung thư da là do ung thư hắc tố da gây ra. Tuy nhiên, loại ung thư này ở giai đoạn đầu vẫn có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật.
Theo Học viện Da liễu Mỹ (AAD), tỷ lệ sống sau 5 năm đối với ung thư hắc tố da lên tới 99% nếu phát hiện và điều trị trước khi di căn đến các hạch bạch huyết.
Khi tế bào ác tính lan đến các vùng lân cận, tỷ lệ sống sau 5 năm còn 68%. Trường hợp ung thư di căn xa, người bệnh chỉ còn 30% cơ hội sống thêm 5 năm.
Tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời là yếu tố nguy cơ gây ung thư da. Ảnh: Anh Ngọc
Để chẩn đoán ung thư da, bác sĩ da liễu khám lâm sàng toàn bộ da trên cơ thể nhằm phát hiện các đốm da bất thường. Nếu nghi ngờ ung thư da, bác sĩ lấy mẫu mô sinh thiết làm giải phẫu bệnh. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Bác sĩ Trường An cho hay phẫu thuật thường là lựa chọn đầu tiên. Nếu không hiệu quả hoặc ung thư tái phát, người bệnh có thể được chỉ định phương pháp điều trị khác như liệu pháp nhắm trúng đích hoặc hóa trị, xạ trị.
Để giảm nguy cơ ung thư da, bác sĩ An khuyến cáo mọi người sử dụng kem chống nắng hằng ngày có chỉ số bảo vệ da với tia UVB (SPF) từ 30 trở lên. Thoa kem cả những ngày nhiều mây và mùa đông.
Đội mũ rộng vành, mặc áo quần dài tay, đeo kính râm để tăng hiệu quả bảo vệ da. Tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h.
Thường xuyên tự kiểm tra toàn bộ da trên cơ thể, gồm cả da đầu, tai, lòng bàn tay, lòng bàn chân, kẽ ngón chân, vùng sinh dục và mông.
Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường như nốt ruồi thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc; vết thương không lành; đốm da khác màu, gây ngứa hoặc chảy máu, người bệnh nên sớm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
VietBF@sưu tập