Theo như hai tầu cảnh sát biển Philippines mới đây hộ tống các tầu tiếp tế cho binh sĩ trú đóng trên tầu Sierra Madre, mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, đã bị ít nhất bốn tầu hải cảnh Trung Quốc và bốn tầu dân quân biển truy đuổi, bao vây và chặn lại trong vòng nhiều giờ.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (phía trước) chặn tàu hải cảnh Philippines gần bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 05/08/2023. AP
Ngày 23/08/2023, Manila lên án Bắc Kinh vi phạm luật quốc tế sau khi nhiều tầu hải cảnh Trung Quốc đã có hành động phong tỏa và ngăn chặn một cách nguy hiểm các tầu của Philippines đến tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên con tầu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây.
Theo tường thuật của các phóng viên hãng thông tấn AP (Mỹ) và AFP (Pháp), hai tầu cảnh sát biển Philippines hộ tống các tầu tiếp tế cho binh sĩ trú đóng trên tầu Sierra Madre, mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, đã bị ít nhất bốn tầu hải cảnh Trung Quốc và bốn tầu dân quân biển truy đuổi, bao vây và chặn lại trong vòng 5 giờ. Vào thời điểm xảy ra cuộc đối đầu căng thẳng này, còn có sự hiện diện một máy bay trinh thám của Mỹ.
Trước đó, hải cảnh Trung Quốc trong một tín hiệu radio cảnh báo hai tầu chiến hộ tống của Philippines phải rời địa điểm nếu không muốn « gánh lấy toàn bộ trách nhiệm của mọi hậu quả ». Hải cảnh Trung Quốc cho rằng Philippines đã lợi dụng các hoạt động tiếp tế để đưa « các vật liệu xây dựng trái phép » đến bãi đá ngầm.
Tuy nhiên, các tầu của Philippines đã hoàn tất việc tiếp tế, luân chuyển binh sĩ và rời khu vực này mà không xảy ra thêm sự cố nào.
AP cho biết, lực lượng tuần duyên Philippines đã mời các phóng viên của ba hãng thông tấn lớn đi cùng các tầu tiếp tế như một phần chiến lược mới nhằm vạch trần các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông
Philippines đã cố tình cho tầu chiến Sierra Madre, có từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, mắc cạn ở bãi Cỏ Mây năm 1990, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Binh sĩ trú đóng trên chiếc tầu cũ này phụ thuộc vào nguồn tiếp tế từ bên ngoài. Bãi Cỏ Mây, cách quần đảo Palawan của Philippines 200 km, nhưng cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến hơn 1.000 cây số.