Theo như ban Thường vụ Quốc hội thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) đã quyết định tiếp nhận việc ông Tần Cương từ chức Đại biểu Quốc hội Toàn quốc khóa 14. Nhưng nếu nhìn vào toàn bộ thông báo của Ban Thường vụ Quốc hội Toàn quốc thì trong đó còn có 5 vị Đại biểu Quốc hội bị 'bãi chức' và 4 vị 'từ chức'.
Ông Tần Cương trong buổi phỏng vấn trên kênh truyền thông Phượng hoàng. (Ảnh chụp màn hình từ video)
Thời gian gần đây, rất nhiều người chờ đợi rằng trước kỳ họp Lưỡng Hội, Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP) sẽ mở Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa 20 để bãi chức Ủy viên Trung ương của ông Tần Cương và ông Lý Thượng Phúc, cũng như chức Ủy viên Quân ủy Trung ương của ông Lý Thượng Phúc.
Tuy nhiên, kết quả là, Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa 20 vẫn không diễn ra.
Nhưng vào ngày 27/2, tờ Tân Hoa Xã (cơ quan ngôn luận của CCP) đã đăng tin rằng: Hội nghị Ban Thường vụ Nhân Đại (Đại hội Đại biểu Nhân Dân, Quốc hội) Toàn quốc đã đưa ra thông báo đình chỉ chức vụ Đại biểu Quốc hội của ông Tần Cương. Hội nghị Ban Thường vụ Nhân Đại đưa lý do là ông Tần Cương 'xin từ chức'. Sau đó Hội nghị Ban Thường vụ Quốc hội Thiên Tân đã nhận đơn từ chức của ông Tần Cương.
Trong chương trình 'Chính luận thiên hạ' đăng ngày 28/2, nhà bình luận các vấn đề thời sự - Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhìn nhận vấn đề này như sau.
Trong báo cáo của Tân Hoa Xã ghi chi tiết rằng: Ban Thường vụ Quốc hội thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) đã quyết định tiếp nhận việc ông Tần Cương từ chức Đại biểu Quốc hội Toàn quốc khóa 14.
Theo 'Luật Đại biểu', chức vụ Đại biểu Quốc hội của ông Tần Cương chính thức bị đình chỉ.
Giáo sư Chương nhìn nhận, nếu tách riêng sự việc này, tức là 'việc ông Tần Cương từ chức Đại biểu Quốc hội được phê chuẩn' thì sẽ thấy ông Tần Cương đã gặp chuyện. Nhưng nếu nhìn vào toàn bộ thông báo của Ban Thường vụ Quốc hội Toàn quốc thì trong đó còn có 5 vị Đại biểu Quốc hội bị 'bãi chức' và 4 vị 'từ chức'. Cho nên chúng ta thấy cách dùng từ của Ban Thường vụ Quốc hội Toàn quốc không giống nhau.
'Bãi chức' là hành vi bị động, có ý nghĩa là kèm theo hình phạt. Còn 'từ chức' là hành vi chủ động.
Lấy ví dụ trong thông báo này, trong số các đại biểu bị bãi chức có một người tên là Vương Nhất Tân. Ông này là Phó tỉnh trưởng kiêm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hắc Long Giang. Vào cuối năm ngoái, cụ thể hơn là vào ngày 8/12/2023, ông Phó tỉnh trưởng Vương Nhất Tân bị nghi ngờ vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng, sau đó ông này bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra. Hai tuần sau, tức ngày 24/12/2023, Hội nghị lần thứ 9 Ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 của tỉnh Hắc Long Giang đã quyết định bãi chức ông Vương Nhất Tân. Đối với trường hợp của ông Vương Nhất Tân thì dùng từ 'bãi chức', bởi vì ông này đã vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.
Nhưng trong trường hợp của ông Tần Cương lại dùng từ 'xin từ chức', sau đó 'Ban Thường vụ Quốc hội thành phố Thiên Tân đã đồng ý tiếp nhận đơn xin từ chức của ông Tần Cương'.
Là người am hiểu hệ thống diễn ngôn và thông lệ chốn quan trường của CCP, Giáo sư Chương nhìn nhận, sự việc ông Tần Cương 'từ chức' đã nói rõ 3 vấn đề.
Vấn đề thứ nhất là sắp mở kỳ họp Lưỡng Hội. Lưỡng Hội là hai cuộc họp của Nhân Đại (Đại hội Đại biểu Toàn quốc, Quốc hội) và Chính Hiệp (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc). Thời điểm Giáo sư Chương làm chương trình là ngày 28/2, đến ngày 4/3 thì CCP đã mở kỳ Lưỡng Hội.
Vì để tránh việc Đại biểu Quốc hội vắng mặt trong kỳ họp Lưỡng Hội, cho nên Ban Thường vụ Quốc hội phải bãi bỏ chức vụ Đại biểu Quốc hội của ông Tần Cương. Ban Thường vụ Quốc hội đưa ra quyết định như vậy vào cuối tháng 2, điều này tương đương với việc trong khoảng 1 tuần nữa sẽ mở kỳ họp Lưỡng Hội, cho nên phải quyết định bãi bỏ chức vụ Đại biểu Quốc hội của ông Tần Cương trước đó.
Nhưng lần này còn có một hiện tượng vô cùng kỳ lạ đó là: Chức vụ Đại biểu Quốc hội của ông Lý Thượng Phúc vẫn chưa bị bãi nhiệm. Chúng ta vẫn chưa rõ vì sao lại như vậy, cũng có thể ông Lý Thượng Phúc vẫn đang bị điều tra, hơn nữa cuộc điều tra chưa kết thúc, cho nên Ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa đưa ra quyết định 'bãi nhiệm ông Lý Thượng Phúc hay là để ông ấy tự từ chức'.
Bởi vì nếu để ông Lý Thượng Phúc tự từ chức thì quá dễ dàng cho ông này, còn nếu bãi chức ông Lý thì đầu tiên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương phải đưa ra thông báo mới có thể bãi chức được.
Ông Lý Thượng Phúc đang bị kẹt ở giữa. Nếu muốn bãi chức ông Lý Thượng Phúc thì phải làm trước đó khoảng 1 tháng mới có thể kịp làm những trình tự đã nói ở trên. Còn hiện nay đã không kịp, bởi vì Lưỡng Hội sắp mở họp. Cho nên sự việc của ông Lý Thượng Phúc vẫn chưa có cách nào quyết định. Đây là điểm quan sát thứ nhất: Ông Tân Cương 'từ chức', còn ông Lý Thượng Phúc vẫn giữ chức vụ Đại biểu Quốc hội.
Vấn đề thứ hai là việc ông Tần Cương 'từ chức' hoặc là 'bị từ chức' đã nói rõ ràng rằng: Vấn đề của ông Tần Cương không nghiêm trọng như ngoại giới đưa tin.
Cách đây một đoạn thời gian từng có thông tin, đó là Trưởng đoàn Đại sứ Trung Quốc tại EU là ông Phó Thông, vào tháng 1 năm nay khi nhận phỏng vấn của truyền thông đã bình luận công khai về việc hạ đài của ông Tần Cương như sau: 'Loại biến động nhân sự này không có gì đáng ngạc nhiên. Nếu họ đã làm sai điều gì thì kết quả sẽ như thế. Nhưng điều này không có nghĩa là bất cứ chính sách nào của Trung Quốc sẽ thay đổi'.
Mọi người hãy chú ý cách dùng từ của ông Phó Thông. Ông này chỉ nói rằng 'Nếu họ đã làm sai điều gì' thì 'làm sai' ở đây có nghĩa là sai lầm hoặc là phạm lỗi, chứ không dùng từ 'vi phạm kỷ luật/pháp luật', tức là dùng từ nhẹ hơn. Điều này cho thấy vấn đề của ông Tần Cương không quá nghiêm trọng như các kênh truyền thông bên ngoài đưa tin một cách phóng đại, hoặc có thể là ông Tập Cận Bình muốn 'võng khai nhất diện' (chừa lại một lối thoát) cho ông Tần Cương. Đây là điểm quan sát thứ hai.
Điểm quan sát thứ ba có thể nói là quan trọng nhất, đó là tuyên bố của truyền thông Trung Quốc cũng ám chỉ rằng ông Tần Cương chưa chết, bởi vì người chết không thể đệ đơn xin từ chức. Bởi vì vào ngày 6/12/2023, tờ Politico đăng bài viết với tiêu đề: 'Tập Cận Bình của Trung Quốc đang thanh trừng theo phong cách Stalin'. Trong đó đưa tin đồn rằng, căn cứ theo 2 nguồn tin, vào cuối tháng 7 năm ngoái, ông Tần Cương đã tự sát hoặc bị tra tấn đến chết khi đang trị bệnh ở một bệnh viện quân đội dành cho quan chức cấp cao CCP.
Lúc đó, Giáo sư Chương đã xem thông tin này và hoài nghi về tính xác thực của nó. Vì sao? Bởi vì nếu ông Tần Cương thật sự phạm tội gián điệp như tờ Politico nói thì khẳng định là sẽ bị giám sát và quản lý nghiêm ngặt, ông này sẽ không có cơ hội tự sát.
Tiếp theo, nếu ông Tần Cương chết vì bị tra tấn thì khả năng này càng nhỏ hơn nữa. CCP có phần chừng mực khi dùng nhục hình đối với quan chức cấp cao, họ tuyệt đối sẽ không làm hại tính mệnh của các quan chức cấp cao.
Hơn nữa, nếu ông Tần Cương đã chết vào cuối tháng 7, vậy thì tại sao vào ngày 25/7 ông này chỉ bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao trong khi vẫn được giữ chức Ủy viên Quốc vụ viện. Nếu ông Tần Cương chết vào tháng 7, tại sao vào tháng 8 ông này không bị cách chức Ủy viên Quốc vụ viện, mà phải đến tháng 10 (khi Ban Thường vụ Quốc hội mở họp) mới bị cách chức Ủy viên Quốc vụ viện?
Cho nên những điều kỳ lạ trong bài báo của tờ Politico đi ngược lại những thường thức về chính trị của CCP.
Tựu trung lại, nếu biết thường thức về chính trị thì chúng ta có thể đoán đúng hoặc ít nhất đoán được 90% trở lên. Do đó, mặc dù tờ Politico (là phương tiện truyền thông chủ lưu của phương Tây) đăng bài vào tháng 12/2023 nói rằng ông Tần Cương đã chết, nhưng khi có những thường thức về chính trị, chúng ta vẫn có thể giữ được sự thanh tỉnh cao độ.