5 sai lầm đầu tư mà giới siêu giàu luôn tránh. Những người có từ 30 triệu USD trở lên thường tránh việc chỉ rót tiền vào cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư theo kiểu đua đòi và sống phung phí.
Nhóm người cực kỳ giàu có, được gọi là những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (UHNWI), ít nhất 30 triệu USD. Giá trị ròng của những cá nhân này gồm cổ phần trong các công ty tư nhân và đại chúng, bất động sản và các khoản đầu tư cá nhân như tác phẩm nghệ thuật, máy bay và ôtô.
Khi những người có tài sản ròng thấp hơn nhìn vào những UHNWI, nhiều người trong số họ tin rằng chìa khóa để trở nên cực kỳ giàu có nằm ở một chiến lược đầu tư bí mật nào đó. Tuy nhiên, những người siêu giàu thường thành công vì hiểu những điều cơ bản để "tiền làm việc thay họ" và biết cách chấp nhận rủi ro có tính toán.
Theo lời của Warren Buffett, quy tắc đầu tư số một là không để mất tiền. Người siêu giàu không phải là nhóm người "thần thông quảng đại". Họ biết những sai lầm đầu tư đơn giản nào cần tránh. Nhiều sai lầm trong số này là kiến thức phổ biến, ngay cả với các nhà đầu tư bình thường. Dưới đây là những lỗi lớn mà nhóm người siêu giàu tránh mắc phải.
Chỉ đầu tư vào tài sản vô hình
Khi mọi người nghĩ về đầu tư, cổ phiếu và trái phiếu thường xuất hiện trong tâm trí đầu tiên. Điều này là do chúng có thanh khoản cao, số vốn tham gia nhỏ. Nhưng không có nghĩa những loại hình đầu tư này luôn tốt nhất.
Bên cạnh các tài sản vô hình, người siêu giàu hiểu giá trị của nhóm tài sản hữu hình và họ phân bổ tiền của mình cho phù hợp. Những cá nhân cực kỳ giàu có đầu tư vào bất động sản, vàng và thậm chí cả tác phẩm nghệ thuật. Thời gian qua, bất động sản tiếp tục là một loại tài sản phổ biến trong danh mục đầu tư của họ để cân bằng với sự biến động của cổ phiếu. Kênh này thường khiến các nhà đầu tư nhỏ sợ hãi vì thiếu tính thanh khoản và mức vốn cao.
Tuy nhiên, theo giới siêu giàu, quyền sở hữu tài sản kém thanh khoản, đặc biệt là những tài sản không tương quan với thị trường, có lợi nhất định cho bất kỳ danh mục đầu tư nào. Những tài sản này không dễ bị ảnh hưởng bởi sự dao động của thị trường và chúng sẽ mang lại hiệu quả trong thời gian dài. Ví dụ, quỹ tài trợ Yale - quỹ tài trợ dành cho đại học lớn thứ hai thế giới, đã đầu tư nhiều kênh, trong đó gồm các tài sản hữu hình. Kết quả là quỹ này công bố lợi nhuận trung bình 10,9% mỗi năm trong khoảng thời gian từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2020, một tỷ lệ khá cao so với nhiều quỹ đầu tư khác.
Báo cáo mới đây của Knight Frank - công ty tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới, cũng cho thấy bất động sản thương mại giữ vị trí trọng yếu trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu (chiếm 21%). Xếp sau là cổ phiếu và trái phiếu. Đầu tư theo đam mê (nghệ thuật, thời trang, cổ vật...) cũng giữ tỷ trọng không nhỏ.
Phân bổ toàn bộ vào thị trường đại chúng
Của cải nhóm UHNWI dường như được tạo ra từ thị trường tư nhân (private market) nhiều hơn từ thị trường đại chúng (public market). Những người siêu giàu có thể kiếm được rất nhiều tiền từ các doanh nghiệp chưa phát hành cổ phiếu ra đại chúng, thường thông qua quyền sở hữu doanh nghiệp hoặc với tư cách là nhà đầu tư thiên thần. Nhiều quỹ đầu tư trên thế giới đều sử dụng các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân để tạo ra lợi nhuận cao và tăng thêm tính đa dạng của quỹ.
Đầu tư theo kiểu đua đòi
Nhiều nhà đầu tư nhỏ luôn nhìn vào những gì đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm của họ đang làm và cố gắng bắt kịp. Tuy nhiên, không bị cuốn vào thói "cho bằng bạn bằng bè" này rất quan trọng để xây dựng sự giàu có.
Những người siêu giàu nhận thức rõ về sai lầm của lối đầu tư trên. Thay vào đó, họ thiết lập các mục tiêu cá nhân và chiến lược dài hạn trước khi đưa ra quyết định đầu tư. UHNWI hình dung nơi họ muốn đạt được sau 10 năm, 20 năm và hơn thế nữa. Nhóm siêu giàu tuân thủ một chiến lược đầu tư nhất quán. Thay vì cố gắng chạy theo đối thủ hoặc trở nên sợ hãi trước suy thoái kinh tế không thể tránh khỏi, họ tiếp tục hành trình bản thân đã chọn.
Hơn nữa, những người siêu giàu rất giỏi trong việc không so sánh sự giàu có của bản thân với những cá nhân khác. Đây là một cái bẫy mà nhiều người dễ rơi vào. UHNWI không mua Mercedes Maybach chỉ vì người hàng xóm vừa mua chiếc đó. Thay vào đó, họ đầu tư và chờ đến khi đạt mức độ giàu có mong muốn, lúc đó có thể rút tiền ra và mua những thứ mình muốn.
Không cân bằng lại danh mục đầu tư
Nhiều người có thể hiểu biết về tài chính nhưng ít ai nhận thức tầm quan trọng của tái cân bằng danh mục đầu tư. Thông qua tái cân bằng, các nhà đầu tư có thể đảm bảo danh mục vẫn được đa dạng hóa đầy đủ và được phân bổ theo tỷ lệ hợp lý. Tuy nhiên, ngay cả khi có mục tiêu phân bổ cụ thể, một số nhà đầu tư thường không quan tâm việc tái cân bằng, khiến danh mục đầu tư bị lệch quá xa theo cách này hay cách khác.
Nhóm siêu giàu thường xuyên dành thời gian để cân đối danh mục đầu tư. Ảnh: Forbes
Một danh mục đầu tư cân đối thường bao gồm sự kết hợp phù hợp giữa tiền mặt, cổ phiếu và trái phiếu dựa trên độ tuổi và khả năng chịu rủi ro của một người. Đối với những người siêu giàu, việc tái cân bằng danh mục đầu tư là cần thiết. Họ có thể thực hiện việc này hàng tháng, hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày.
Bỏ tiết kiệm khỏi kế hoạch tài chính
Đầu tư là điều cần thiết để trở nên giàu có, nhưng nhiều người quên mất tầm quan trọng của tiết kiệm. Nhóm siêu giàu hiểu rằng kế hoạch tài chính là một chiến lược kép: đầu tư khôn ngoan và tiết kiệm khôn ngoan.
Do đó, những UHNWI thường xuyên tìm cách gia tăng dòng tiền vào và giảm dòng tiền ra, làm tăng tổng tài sản. Người siêu giàu chưa hẳn là người sống tiết kiệm, nhưng họ biết rằng việc sống dưới mức thu nhập của bản thân sẽ cho phép họ đạt được độ giàu có mong muốn trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
VietBF@ sưu tập
|