Ít vận động có thể dẫn đến dư thừa chất béo, làm tăng lượng mỡ tích tụ trên gan, làm tăng lượng cholesterol trong cơ.
Cholesterol cao lâu ngày có thể gây viêm, xơ vữa động mạch, ảnh hưởng đến sức khỏe tim. Chế độ ăn uống phù hợp, duy trì lối sống khoa học có thể giúp giảm lượng cholesterol. Dưới đây là 6 sai lầm có thể mắc phải khi cố gắng giảm cholesterol.
Tránh đồ ăn có cholesterol
Suy nghĩ "ăn đồ có cholesterol sẽ làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể" là sai lầm. Cholesterol trong chế độ ăn uống (cholesterol trong thực phẩm) có ảnh hưởng tối thiểu đến cholesterol trong cơ thể. Khi chế độ ăn uống có nhiều cholesterol, cơ thể sẽ giảm sản xuất cholesterol để giữ sức khỏe ở trạng thái cân bằng.
Vì vậy, người có cholesterol cao vẫn có thể ăn trứng, bao gồm lòng đỏ nhưng cần tiêu thụ trong chừng mực. Mỗi người nên hạn chế ăn chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa vì có thể làm tăng cholesterol LDL có hại và giảm cholesterol HDL có lợi.
Ăn uống khoa học góp phần cân bằng cholesterol. Ảnh:Freepik
Cắt bỏ hoàn toàn chất béo trong chế độ ăn
Mỗi người nên hạn chế chất béo không lành mạnh chứ không phải loại bỏ hoàn toàn chất béo trong chế độ ăn uống. Người bệnh tập trung vào việc thay thế thực phẩm chế biến sẵn, có nhiều chất béo bão hoà bằng thực phẩm có chất béo không bão hòa đơn như: bơ, ô liu, dầu ô liu, hạt hướng dương, dầu hướng dương, các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều, quả hồ đào, mắc ca. Người bệnh có thể kết hợp các loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đa như các loại hạt, cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích).
Không nhận đủ chất xơ
Chất xơ giúp cơ thể no lâu giữa các bữa ăn, hỗ trợ giảm cân. Thực phẩm nhiều chất xơ có thể làm giảm cholesterol trong máu, giảm mỡ xấu (LDL), tăng mỡ tốt (HDL); tốt cho sức khỏe người mắc bệnh tim mạch.
Các thực phẩm giàu chất xơ như: yến mạch, quả mọng, chuối, táo, các loại rau như cải xoăn, rau bina, bông cải xanh, cà rốt, đậu Hà Lan, ngô, đậu lăng, đậu.
Không hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất bao gồm các bài tập aerobic, rèn luyện sức đề kháng, bài tập cường độ thấp như đi bộ có thể giúp cân bằng cholesterol, góp phần làm tăng HDL lành mạnh, giảm cholesterol LDL có hại. Mỗi người nên đặt mục tiêu dành 30 phút hoạt động thể chất ít nhất 5 ngày một tuần. Hoạt động thể chất điều độ có thể giúp giảm cân. Giảm cân 5-10% trọng lượng cơ thể được chứng minh có tác động tích cực đến mức cholesterol.
Không nhận đủ protein
Chế độ ăn uống khoa học là kết hợp chất béo lành mạnh, thực phẩm giàu chất xơ với lượng protein đầy đủ. Chế độ ăn giàu protein (khoảng 1-1,5g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể) có liên quan đến lượng cholesterol HDL cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc kết hợp whey protein vào chế độ ăn hàng ngày có thể làm giảm cholesterol LDL.
Hút thuốc lá
Khi nói đến những ảnh hưởng của việc hút thuốc, người ta thường nghĩ các bệnh liên quan đến phổi, ung thư. Hút thuốc còn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch, làm tăng mức cholesterol. Điều này do thành phần chính trong các sản phẩm thuốc lá là nicotine gây ra.
Trong quá trình hút thuốc lá, một lượng lớn nicotine đi vào máu qua phổi, khiến cơ thể tiết ra chất dẫn truyền thần kinh gọi là catecholamine. Sự gia tăng catecholamine làm tăng phân giải lipid, tăng sản xuất cholesterol LDL, giảm mức cholesterol tốt HDL.
VietBF©sưu tập