Người mắc bệnh thận mạn tính cần áp dụng chế độ đặc biệt, nên ăn hạn chế kali, photpho và natri để thận hoạt động ổn định.
Ngoài chức năng lọc nước và chất thải, thận còn hoạt động để giữ cân bằng các khoáng chất, chất dinh dưỡng trong máu. Khi mắc bệnh thận mạn tính, thận sẽ không lọc được nước dư thừa ra khỏi máu như bình thường. Việc phát hiện sớm bệnh thận kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống, lối sống có thể giúp người bệnh ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển của bệnh suy thận.
Tránh kali, photpho, natri
Các chuyên gia tiết niệu cho rằng, không có chế độ ăn uống "tốt nhất" phù hợp với tất cả những người bị bệnh thận. Tuy nhiên, người bị thận mạn tính nếu tuân thủ chế độ ăn ít natri, kali, photpho, cân bằng protein và chất lỏng... có thể kiểm soát sự tiến triển của bệnh.
Đối với bệnh thận giai đoạn 1 và 2, người bệnh ít khi phải hạn chế ăn và uống, nhưng tốt nhất vẫn nên áp dụng chế độ ăn kiêng DASH (chế độ ăn uống ngăn ngừa tăng huyết áp). Chế độ ăn kiêng DASH bao gồm việc ăn ít natri, giảm đường, giảm chất béo bão hòa và thịt đỏ. Khi chức năng thận có dấu hiệu suy giảm, người bệnh cũng nên hạn chế protein, giảm lượng thức ăn giàu kali và photpho...
Trong quá trình điều trị, người mắc bệnh thận cần theo dõi các chất dinh dưỡng sau:
Natri: bình thường, thận hoạt động để kiểm soát lượng natri trong cơ thể. Nếu thận không hoạt động bình thường, lượng natri dễ bị thừa dẫn đến tích nước, huyết áp cao, sưng tấy. Chế độ ăn ít natri giúp giảm huyết áp và làm chậm sự tiến triển của bệnh thận.
Các thực phẩm giàu natri nên hạn chế bao gồm thực phẩm đóng gói, đồ hộp, giăm bông, thịt xông khói, xúc xích, thịt chua, pizza, khoai tây chiên, cơm gia vị hoặc mì ống, nước tương, tương cà và các loại gia vị khác.
Mỳ tôm chứa nhiều natri, là một loại thực phẩm người bệnh thận cần hạn chế. Ảnh: Freepik
Kali: Kali là chất giúp cơ thể duy trì các chức năng cần thiết bao gồm cả các cơ điều khiển nhịp tim. Kali còn hỗ trợ di chuyển các chất dinh dưỡng vào tế bào và thải chất thừa ra khỏi tế bào. Khi chức năng thận suy giảm, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh hạn chế lượng kali bổ sung hàng ngày. Nếu thận hoạt động không bình thường, kali sẽ tích tụ lại. Khi trong máu có quá nhiều kali nhịp tim sẽ không đều, người bệnh còn có thể bị đau tim.
Một số thực phẩm chứa nhiều kali bao gồm bưởi và nước ép bưởi, chuối, khoai tây, sữa, sữa chua, chất thay thế muối, các loại đậu, rau xanh nấu quá chín, nước ép mận, dưa gang.
Phốt pho: phốt pho là một khoáng chất khác có thể tích tụ trong máu khi thận không hoạt động tốt. Khi phốt pho tích tụ trong máu, nó sẽ lấy canxi từ xương, làm xương yếu đi, tăng nguy cơ mắc bệnh xương, nguy cơ gãy xương cao hơn ở người bệnh thận. Nồng độ phốt pho trong máu cao cũng có thể dẫn đến ngứa da, đau xương và đau khớp.
Thực phẩm giàu photpho là các sản phẩm như thịt nguội, phomat đã qua chế biến, bánh xèo, bánh ngô, bánh ngọt, sữa, sữa chua đông lạnh...
Lượng protein và chất lỏng: protein là một chất dinh dưỡng đa lượng thiết yếu giúp xây dựng cơ bắp, sửa chữa mô và chống lại nhiễm trùng. Khi thận của một người khỏe mạnh, ăn thực phẩm giàu protein như thịt và sữa, các chất này sẽ phân hủy thành chất thải trong cơ thể và được thận lọc ra. Khi thận không hoạt động bình thường, việc loại bỏ chất thải thừa từ protein bổ sung sẽ gặp khó khăn. Tùy vào cân nặng, tiến triển bệnh thận và lượng protein trong nước tiểu, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể về lượng protein người bệnh cần thay bổ sung.
Khi bệnh tiến triển qua giai đoạn 3, người bệnh cũng nên hạn chế chất lỏng tiêu thụ vì khả năng loại bỏ chất lỏng dư thừa của thận lúc này khá chậm. Cơ thể quá nhiều chất lỏng có thể dẫn đến tích tụ chất lỏng, gây căng thẳng cho tim và sưng tấy khắp cơ thể.
Thực phẩm nên bổ sung
Bên cạnh các thực phẩm cần tránh, người mắc bệnh thận nên tập trung bổ sung các loại thực phẩm bao gồm:
Rau: măng tây, ớt chuông, cải bắp, rau cần tây, cải xoăn, rau diếp, bông cải xanh, đậu xanh, bắp, nấm, cà rốt, bí ngô, đậu bắp, dưa chuột, cà tím, hành... Trái cây như táo, lê, việt quất, dâu tây, anh đào, cam quýt, nho đỏ, dâu tây, đào, lê, chanh, dứa, mận...
Chất đạm: thịt gà nạc, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, hải sản, đậu hũ, thịt bò nạc, lợn nạc (tránh xúc xích, thịt xông khói), đậu, sữa ít béo...
Tinh bột: gạo trắng, bánh trắng, món cuốn, bánh gạo, bánh quế, bỏng ngô, bánh quy giòn. Lưu ý các loại bánh nên loại muối ra trong quá trình chế biến.
Đồ uống: cà phê, trà không đường, nước táo, nước ép nho, nước ngọt, nước chanh, nước có ga, trà xanh...
VietBF©sưu tập