Con đã lớn nhưng vẫn coi như đứa trẻ cần chăm bẵm, nghĩ con sẽ thừa hưởng gene học giỏi của mình, so sánh con... là các sai lầm cha mẹ ít nhận ra.
Theo tiến sĩ Naveen Sharma, chuyên gia tư tâm thần ở Anh, trở thành cha mẹ là một hành trình tuyệt vời nhưng cũng có nghĩa phải đối mặt với những thách thức và học hỏi những điều mới. Không có gì ngạc nhiên khi các bậc cha mẹ mắc sai lầm trong quá trình này.
"Là một người cha của hai đứa trẻ, tôi có rất nhiều kinh nghiệm về những sai lầm khi nuôi dạy con cái và cũng học hỏi được từ sai lầm của những người bạn, đồng nghiệp", ông nói.
Kỳ vọng làm cha mẹ hoàn hảo
Đây là sai lầm hầu hết các bậc cha mẹ đều mắc. Việc chăm sóc đứa trẻ cả ngày chỉ với mình bạn là một việc khó. "Làm cha mẹ chắc chắn phải đối mặt với những thử thách nên bạn có thể bắt đầu tự trách bản thân và cảm thấy tội lỗi. Nhưng cần nhìn rộng ra là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và không ai tránh được những va vấp trên hành trình này", ông nói.
Trong thời đại truyền thông xã hội, có rất nhiều cha mẹ dường như hoàn hảo trên Instagram và Tiktok, họ đưa ra lời khuyên và chỉ trích cách làm cha mẹ của người khác. Những điều này càng gia tăng áp lực làm cha mẹ hoàn hảo lên các bậc phụ huynh. "Điều quan trọng là bạn phải biết tất cả đều mắc sai lầm và không quá khắt khe với bản thân", ông nói thêm.
Trở thành cha mẹ phải đối mặt với nhiều thách thức cũng như học hỏi cái mới, nên việc mắc sai lầm là bình thường. Ảnh: Pattan
Ám ảnh với giấc ngủ
Tiến sĩ Naveen Sharma cũng cho biết giấc ngủ của trẻ khiến nhiều bậc cha mẹ ám ảnh. Thực tế giấc ngủ của trẻ thường không giống người lớn và mỗi em bé sẽ có kiểu ngủ riêng. "Nhiều bậc cha mẹ cố gắng rèn cho con ngủ suốt đêm và khi không đạt được thì trở nên bực bội, tự trách bản thân, nhiều người stress", ông nói.
So sánh
Cha mẹ có thể bị ám ảnh khi so sánh sự phát triển và cột mốc quan trọng của con mình với những em bé khác, mà thậm chí không nhận ra điều đó. Nhưng mọi đứa trẻ đều khác nhau và phát triển theo tốc độ của riêng chúng, ngay cả anh chị em ruột cũng khác nhau.
Quên mất trẻ học bằng cách quan sát người lớn
"Trẻ em thực sự giống như bọt biển khi học những lời lẽ, hành vi mới và bạn là hình mẫu lớn nhất của chúng. Hãy lưu tâm đến những gì bạn làm và cách cư xử trước mặt con, đặc biệt là cách bạn đối phó với sự thất vọng, những cơn bực tức", tiến sĩ Sharma nói.
Phạm sai lầm không có gì là xấu vì đây là con đường để chúng ta học hỏi. Thậm chí hãy mong đợi để mắc sai lầm, đừng quá khắt khe với bản thân và nhất định không so sánh cách làm mẹ của mình với người khác. "Khi trẻ học hỏi từ bạn, bạn cũng có thể học được nhiều điều từ trẻ bằng cách quan sát chúng và trò chuyện với chúng", ông nói.
Quên mất trẻ đang lớn
Cựu hiệu trưởng hiệu trưởng Leon Hady, người sáng lập trang nuôi dạy con Guide Plus (Anh), cho biết ông nhận ra rất nhiều sai lầm của phụ huynh. Đặc biệt trong số này cha mẹ quên mất rằng con đang phát triển. Con đã lớn mà còn chăm bẵm như đứa trẻ biết đi và mong đứa trẻ quấn quýt mình như thời nhỏ.
"Càng lớn trẻ càng rời xa cha mẹ, hướng đến các mối quan hệ bạn bè, thầy cô hơn và cha mẹ cũng phải chấp nhận với thực tế này", ông nói.
Nghĩ khả năng học tập của con giống mình
Nhiều cha mẹ tin con cũng thừa hưởng khả năng học tập như mình. Đây là sai lầm đau lòng. Ông đã gặp những bậc cha mẹ có suy nghĩ: "Chà, tôi chưa bao giờ học giỏi ở trường, không ngạc nhiên con tôi cũng học kém". Ngược lại cũng có những người rất xuất sắc học tập nhưng con họ không được như vậy, nên gây áp lực cho con.
Ông nói: "Mọi bộ não đều có thể học hỏi và thay đổi khi gặp thử thách. Cha mẹ giỏi hay không, không có gì cản trở đối với con. Đừng tin rằng họ không thể vì bạn không thể, hoặc bạn có thể mà con không".
Không khen thưởng hành vi tích cực của con
Theo chuyên gia Lisette Kuijt của chuyên trang nuôi dạy con Gostudent (Anh) "Điều quan trọng cần nhớ nuôi dạy con cái là một cuộc hành trình và mỗi ngày cha mẹ với con cái đang học cách giao tiếp tốt nhất, phát huy hết khả năng của nhau".
Sự tự tin và giá trị bản thân rất mong manh ở trẻ em. Mỗi ngày, chúng gặp phải những chuyện thất bại, buồn vui, bị từ chối ở trường. Việc khen ngợi những hành vi tích cực của con rất quan trọng. Điều này sẽ tạo ra mối liên kết tích cực giữa bạn và con, cũng sẽ làm tăng cơ hội để hành vi tích cực này tái diễn.
Giúp con hiểu được cảm xúc của mình
Nhà tâm lý học trẻ em Lisette Kuijt cũng cho biết thêm, một số bậc cha mẹ mắc sai lầm khi không giúp con hiểu được cảm xúc của mình. Trẻ nhỏ gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc, lúc tức giận, lúc buồn, lúc khóc, nhưng có thể khó để trẻ hiểu được cảm xúc của mình và tại sao lại như vậy.
Lisette giải thích: "Ví dụ, lần tới khi con bạn khóc vì bị anh chị lấy món đồ chơi yêu thích, hãy cố gắng gọi tên cảm xúc mà chúng đang cảm thấy và lý do tại sao lại cảm thấy như thế. Điều này sẽ giúp con phát triển trí thông minh cảm xúc".