Gió chướng là tên khác của gió mùa Đông Bắc và gió tín phong được người dân tại Nam Bộ sử dụng. Ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á nói chung, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt trong năm là mùa mưa và mùa khô.
Trong đó, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Thời gian của hai mùa này diễn ra gần trùng với thời gian ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc.
Gió mùa Đông Bắc là hiện tượng thời tiết xảy ra khi khối không khí rất lạnh từ lục địa Châu Á di chuyển xuống nước ta, nơi đang tồn tại khối không khí nóng ẩm, gây ra gió đông bắc mạnh, thời tiết lạnh và xấu. Khi gió mùa Đông Bắc tràn về ngoài khơi vịnh Bắc Bộ có thể mạnh tới cấp 6-7, khi vào đến đất liền giảm còn cấp 4-5, có thể làm đổ cây cối, hư hại nhà cửa và các công trình đang thi công trên cao.
Ở các tỉnh Nam Bộ, nhất là đối với vùng gần ven biển, nơi có những vùng chuyên canh sản xuất nông sản hoặc có những ao hồ nuôi trồng thủy hải sản, gió mùa Đông Bắc thường gây ra nhiều bất lợi cho việc sản xuất. Chính vì vậy mà bà con nông dân ở Nam Bộ gọi gió mùa Đông Bắc và gió tín phong là gió chướng.
Khi gió chướng mạnh có thể khiến cho độ mặn tăng đột biến, khiến ảnh hưởng của sự xâm nhập mặn tới sản xuất nông nghiệp, thủy sản và sinh hoạt của nhân dân tăng lên.