Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ không chỉ ở VN mà còn trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, năm 2018 có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).
Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, với tỉ lệ tử vong 12,9/100.000 dân. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư tử cung.
Các triệu chứng cảnh báo ung thư vú
Nếu có các triệu chứng dưới đây, nên đi tầm soát ung thư vú càng sớm càng tốt:
- Sưng hoặc có khối u ở nách: Có khối u ở gần vú hoặc nách là dấu hiệu phổ biến nhất ở những người bị ung thư vú. Khối u ác tính thường có đặc điểm là cứng, không đau khi chạm vào. Ngoài dấu hiệu khối u, chị em cần chú ý nếu vùng da ở vú dày hơn, bất thường so với bên vú còn lại, vì đây cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú.
- Những thay đổi về hình dạng vú, kích thước: Nhiều phụ nữ không sờ thấy khối u như thông thường mà họ thấy ngực to hơn, trễ thấp hơn, có hình dạng khác thường so với bên vú còn lại. Đây cũng là triệu chứng của ung thư vú, thường gặp ở những người có mô vú dày đặc. Có tới 50% phụ nữ có mô vú dày đặc, và điều này khiến cho việc phát hiện ung thư vú gặp khó khăn hơn.
- Sự thay đổi ở núm vú: Một trong những vị trí phổ biến nhất mà khối u thường xuất hiện là bên dưới núm vú, gây ra những thay đổi và cảm nhận ở núm vú. Ở những người mắc bệnh, núm vú thường dẹt hơn, tụt vào trong, tiết dịch hoặc máu. Da xung quanh núm vú có thể có vảy, viêm…
- Ngứa ở ngực: Triệu chứng này chủ yếu liên quan tới ung thư vú viêm, và thường bị bỏ qua. Người bệnh bị ung thư vú viêm thường bị ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ, hay sần sùi như vỏ cam.
- Đau ở vai, lưng trên hoặc cổ: Ở một số phụ nữ mắc ung thư vú, họ cảm thấy đau ở lưng hay vai chứ không phải ở ngực hoặc vú. Cơn đau thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, dễ bị nhầm lẫn với chấn thương dây chằng, viêm xương khớp.
- Vú bị đỏ và sưng: Nhiều người trải qua các triệu chứng như ngực nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau… thường chỉ nghĩ đơn giản là nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm vú. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của ung thư vú viêm.
- Đau ở ngực hoặc vú: Đau ở bệnh nhân ung thư vú, được mô tả là cơn đau buốt, đến và đi nhanh chóng, giống như một luồng điện nhẹ đi từ ngực trái đến ngực phải.
Những phụ nữ nào có nguy cơ cao mắc ung thư vú?
Những nhóm đối tượng dưới đây được xem là có nguy cơ cao mắc căn bệnh này:
- Có tiền sử gia đình bị ung thư vú, đặc biệt là những người có mẹ bị ung thư vú.
- Những người chưa từng sinh con.
- Có kinh sớm (trước 11 tuổi) hoặc mãn kinh muộn (sau 55 tuổi).
- Chế độ ăn uống giàu chất béo.
- Người nghiện rượu, bia.
- Sử dụng lâu dài các chất bổ sung hormone.
Thời điểm phát hiện bệnh quyết định hiệu quả điều trị
Trong các loại ung thư ở nữ giới, ung thư vú, cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Đặc biệt là với ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, là vì bệnh nhân tự sờ thấy được.
Với bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì sẽ điều trị khỏi, tỷ lệ sống trên 5 năm tương đối cao, đặc biệt là với bệnh ung thư vú. Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%.
Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, bệnh đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao. Trong cộng đồng, nhiều phụ nữ vẫn chưa có kiến thức về biện pháp tự khám vú tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng ung thư vú định kỳ, nên phần lớn bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.
Giải pháp để phát hiện sớm ung thư vú?
Tự khám là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ nên tự khám vú đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất tự kiểm tra sau kỳ kinh nguyệt là lúc vú mềm nhất. Trong gia đình có người thân mắc bệnh thì nguy cơ di truyền càng cao. Nếu bạn phát hiện có khối u hay sự thay đổi của vú, nên đến viện khám càng sớm càng tốt.
Chị em cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú khi qua tuổi 40. Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2; có kinh sớm; không sinh con...), nên đi khám, tầm soát ở lứa tuổi sớm hơn.
VietBF@sưu tập