Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hôm 30/01/2020. Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra hiện giờ không còn là việc riêng của Trung Quốc mà là vấn đề toàn thế giới phải đối phó trước quy mô dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra.

Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo về tình hình virus corona, tại trụ sở WHO, Genève, Thụy Sĩ ngày 29/01/2020. REUTERS/Denis Balibouse
Tại Hoa lục, số người chết tăng nhanh kỷ lục : thêm 42 người chết chỉ trong 24 giờ. AFP cho biết, theo số liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc, 213 người thiệt mạng, 10.000 người bị lây nhiễm, khoảng 102.000 người có triệu chứng nhiễm virus và đang được theo dõi. Số người nhiễm siêu vi trên thế giới cũng tăng mỗi ngày.
Quyết định của WHO được tất cả các nước lo ngại dịch bệnh lây lan sang lãnh thổ của họ mong chờ. Nhưng đây lại không phải điều Bắc Kinh mong muốn. Trung Quốc không muốn mọi người nhớ lại sự yếu kém của họ khi xử lý dịch bệnh SARS hồi năm 2002-2003. Chính vì thế, cho dù tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus corona, nhưng tổ chức Y Tế Thế Giới không quên khéo léo lấy lòng Trung Quốc, bằng cách hoan nghênh những hành động của Bắc Kinh thời gian qua trong việc xử lý dịch bệnh.
Từ Genève, thông tín viên RFI Jérémie Lanche giải thích :
« Nếu Trung Quốc không phản ứng như họ đã làm, rất có thể trên thế giới đã có thêm nhiều người nhiễm bệnh hơn nữa. Tổng giám đốc tổ chức Y Tế Thế Giới, Tedros Ghebreyesus, tin chắc như vậy. Ông Ghebreyesus khẳng định : Tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên quy mô toàn cầu không có nghĩa là không tin tưởng vào Trung Quốc mà ngược lại là đằng khác.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới phát biểu : « Lý do chính khiến tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế không phải xuất phát từ những điều đang xảy ra tại Trung Quốc, mà là do những gì đang diễn ra ở nhiều nước khác. Nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi là virus lây lan ở những nước có hệ thống y tế bấp bênh hơn nhiều ».
Cũng theo giám đốc tổ chức WHO : « Lý do chính khiến tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế không phải xuất phát từ những điều đang xảy ra tại Trung Quốc, mà là do những gì đang diễn ra ở nhiều nước khác. Nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi là virus lây lan ở những nước có hệ thống y tế lỏng lẻo hơn Trung Quốc nhiều ».
Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, hành động của Bắc Kinh cần được hoan nghênh, nhưng tình trạng ở các nước khác đang đặt ra nhiều vấn đề. Ông Didier Houssin, người Pháp, lãnh đạo Ủy ban đặc trách về tình huống khẩn cấp của tổ chức WHO, tỏ ra hoài nghi về việc các nước đưa công dân rời khỏi thành phố Vũ Hán. Quan chức này phát biểu :
« Một số nước có thể tiến hành việc đưa công dân rời khỏi Vũ Hán vì họ có khả năng, phương tiện. Điều này cũng chứng tỏ họ tin tưởng là có đủ khả năng tránh để dịch bệnh lây lan tại nước họ. Nhưng rõ ràng là không phải nước nào cũng làm được điều này ».
Cho dù tổ chức Y Tế thế Giới có đánh giá những điểm tích cực hay tiêu cực thì hầu như vẫn theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Thế nhưng, trước những lời công kích, giám đốc tổ chức WHO nhấn mạnh : Giờ không phải lúc để sợ hãi và lên án, mà cần hành động và đoàn kết ».
Việt Nam xem xét tuyên bố ''tình trạng khẩn cấp''
Ngày 30/01/2020, sau khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do virus corona mới, chính phủ Việt Nam ngay lập tức thông báo sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong nước. Tuy nhiên, phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phụ trách bộ Y Tế, cũng cho biết việc công bố ''tình trạng khẩn cấp'' do dịch bệnh là điều chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Theo báo chí trong nước, hôm nay, 31/01, bộ Y Tế và bộ Tư Pháp thảo luận về ''các cơ sở pháp lý'', để công bố tình trạng khẩn cấp về dịch.