Nếu bạn để ý thì trẻ em Nhật rất ít khi bị béo phì. So với các quốc gia khác có thu nhập tương đương, tỷ lệ trẻ em đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường ở Nhật Bản là rất cao, tới 98,3%.
Trẻ Nhật có tỷ lệ béo phì rất thấp. Ảnh: joursa.
Các bậc cha mẹ luôn muốn con cái được khỏe mạnh, nhưng trong một số nhà, mỗi bữa ăn là một cuộc chiến. Trẻ chỉ thích đồ ăn vặt, trong khi những thực phẩm bổ dưỡng thì lại không ngó ngàng tới.
The Lancet, tạp chí y khoa nổi tiếng gần đây đã công bố kết quả của một nghiên cứu về sức khỏe toàn cầu: Nếu bạn là trẻ em sinh ra ở Nhật, bạn sẽ được hưởng mộc cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh nhất, bởi vì bạn có được một phương thức sinh hoạt đáng mong ước, và một chế độ ăn uống chuẩn mực.
Trong khi tỷ lệ béo phì và tiểu đường ở trẻ em trên toàn thế giới tăng vọt, nhưng trong lịch sử, mức độ béo phì ở trẻ Nhật luôn rất thấp, thậm chí còn giảm dần trong những năm gần đây.
Những điểm dưới đây làm nên khác biệt đó:
1. Dành cho con những bữa tối đủ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống của người Nhật rất hiệu quả, vì nó không chỉ làm đầy dạ dày mà còn cung cấp dinh dưỡng chất lượng cao. Khi có đầy đủ những dưỡng chất mà cơ thể cần, bạn tự nhiên sẽ giảm ham muốn những món ăn không có lợi.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ em cứ ăn sushi, rong biển mỗi ngày theo "phong cách Nhật". Bạn chỉ cần điều chỉnh thói quen ăn uống của gia đình theo hướng lành mạnh hơn, bao gồm việc ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau xanh, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh.
2. Khuyến khích trẻ khám phá những món ăn mới
Sở thích của trẻ thay đổi theo thời gian, có thể lúc này bé thích món này, nhưng lúc sau sẽ thích món khác. Chỉ cần bố mẹ cung cấp cho trẻ nhiều lựa chọn và làm gương, dần dần có thể hướng trẻ đến mô hình ăn uống lành mạnh hơn. Trẻ càng sớm thử với các loại thực phẩm khác nhau, chế độ ăn uống của chúng sẽ càng lành mạnh hơn trong suốt thời thơ ấu. Liên tục cho trẻ thử các món ăn mới sẽ khiến chúng thích thử nếm, ăn nhiều hơn và yêu thích các món ăn nhiều hơn.
3. Sử dụng đĩa Nhật
Cho đến nay, hầu hết chúng ta đều biết rằng trong 20 năm qua, lượng thực phẩm phục vụ trong các nhà hàng đã tăng lên vượt quá tầm kiểm soát, khiến chúng ta trở nên ăn nhiều một cách vô thức. Làm thế nào để có thể bình thường hóa lượng thức ăn? Ý tưởng sử dụng các loại đĩa nhỏ đang dần trở nên phổ biến hơn.
Tiến sĩ Fisher, giám đốc trung tâm nghiên cứu béo phì và giáo dục thuộc Temple University (Mỹ) chỉ ra rằng, nếu trẻ em được lựa chọn, chúng thường không ăn nhiều. Cô cũng tin rằng việc cho trẻ ăn những đĩa nhỏ hơn, và việc tự mình lấy thức ăn có thể giúp duy trì việc lấy một lượng thức ăn đủ theo nhu cầu.
4. Thường xuyên cho trẻ vận động
Thật khó để trẻ tránh khỏi sự cám dỗ của các trò chơi video, các sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, trẻ cần ít nhất 60 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải mỗi ngày. Điều quan trọng là khiến trẻ hào hứng với các hoạt động vận động. Phụ huynh có thể bắt đầu với việc cùng con đi bộ nhanh đến trường, hoặc cùng con vui chơi dưới sân nhà mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng so với các quốc gia khác có thu nhập tương đương, tỷ lệ trẻ em đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường ở Nhật Bản là rất cao, tới 98,3%. Rõ ràng điều này có liên quan đến tỷ lệ béo phì của trẻ em Nhật thấp hơn các quốc gia khác.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng vận động thể chất thích hợp trong độ tuổi 5-17 góp phần quan trọng trong sự phát triển sức khỏe xương, cơ và khớp cũng như hệ tim mạch, điều khiển chuyển động... , qua đó cho trẻ cơ hội thể hiện bản thân lẫn giao tiếp xã hội.
Trẻ em rất thích chơi, điều này vốn là tự nhiên. Nếu cho trẻ cơ hội, chúng sẽ tìm vô khối cách khác nhau để vui chơi. Thế nên hãy cho trẻ tới một nơi an toàn để thỏa sức vui chơi. Lợi ích sức khỏe của lối sống này là rất lớn, nó có thể giúp trẻ khỏe mạnh nhất có thể.
5. Phát triển lối sống gia đình toàn diện
Một nghiên cứu dành cho trẻ em 6-10 tuổi công bố năm 2014 trên tạp chí Appetite cho thấy, đưa trẻ em vào bếp cùng bố mẹ là một trong những cách giúp chúng khỏe mạnh. Nghiên cứu khẳng định việc cho trẻ em cùng bố mẹ chuẩn bị các bữa ăn lành mạnh, cân bằng là một chiến lược có giá trị để cải thiện chế độ ăn uống.
Ngày nay, khi cha mẹ phải bận rộn với công việc và rời công sở muộn hơn, thêm vào đó, trẻ có nhiều hoạt động ngoại khóa, việc duy trì bữa ăn gia đình thực sự không dễ dàng. Nhưng đây thực sự là một mục tiêu đáng giá, vì lợi ích tiềm năng cho trẻ em là rất lớn.
Báo cáo công bố trên tạp chí Nhi khoa tháng 11/2014 cho thấy, việc tận hưởng sự khích lệ tích cực từ cha mẹ trong bữa ăn tối quây quần sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ thừa cân, béo phì.
6. Đừng e ngại "giáo dục có thẩm quyền"
Nhiều cha mẹ hiện nay không muốn thực thi quyền lực với con cái. Tuy nhiên, trong việc rèn giũa lối sống và thói quen ăn uống, cha mẹ Nhật Bản phát hiện ra rằng bí quyết thành công chính là sử dụng thẩm quyền thay vì chuyên chế.
Đầu những năm 1960, nhà tâm lý học lâm sàng Diana Baumlind lần đầu tiên phong trong "giáo dục có thẩm quyền" (Authoritative Teaching) - một cách đơn giản và hiệu quả để khiến trẻ hiểu được những gì cha mẹ muốn, mà không cần phải dùng đến những câu như "Bố/mẹ đã nói rồi cơ mà"...
Theo đó, cha mẹ có thể thiết lập những hướng dẫn, quy tắc cho trẻ làm theo và lắng nghe câu hỏi. Cha mẹ đưa ra luật, nhưng không xâm lấn và hạn chế, cha mẹ ủng hộ thay vì trừng phạt. Mô hình kỷ luật có thẩm quyền đặc trưng bởi việc sử dụng các quy tắc và luôn giải thích các quy tắc một cách nhất quán.