Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ca ngợi chiến thắng của phe dân chủ Hong Kong ở cấp quận là kết quả của "bầu cử cấp quận tự do, công bằng và hòa bình".
"Chúng tôi chúc mừng người dân Hong Kong. Mỹ tiếp tục ủng hộ các giá trị dân chủ, các quyền tự do cơ bản của Hong Kong được đảm bảo theo mô hình 'một quốc gia, hai chế độ' và nguyện vọng của người dân Hong Kong", Ngoại trưởng Pompeo phát biểu tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 26/11.
Bình luận của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi kết quả bầu cử ủy viên hội đồng quận hôm 25/11 cho thấy phe dân chủ giành 377/452 ghế, giành chiến thắng tại 17/18 quận của Hong Kong. Hơn 70% cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu hôm 24/11, tạo nên kỷ lục về số người đi bầu ủy viên hội đồng quận ở Hong Kong từ trước đến nay.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Donald Trump có ký dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong thành luật hay không, Pompeo trả lời rằng ông sẽ không nói trước, quyết định thuộc về Tổng thống. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quan điểm của chính quyền Trump rất rõ ràng trong việc kỳ vọng cách Trung Quốc đối xử với người dân trên khắp đất nước.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao hôm 26/11. Ảnh: AP.
"Chúng tôi có các tiêu chuẩn nhân quyền áp dụng trên toàn thế giới và Hong Kong không phải ngoại lệ", Pompeo nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra bình luận về những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ.
Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong được Thượng viện và Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua vào ngày 19 và 20/11, trong đó yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới. Dự luật cũng cho phép cấm vận những quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền tại Hong Kong.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lần lượt triệu quyền đại sứ Mỹ William Klein và đại sứ Terry Branstad để trao công hàm "phản đối mạnh mẽ" việc quốc hội Mỹ thông qua dự luật, yêu cầu Mỹ ngăn dự luật trở thành luật, đồng thời đe dọa sẽ có những "biện pháp đối phó quyết liệt và Mỹ sẽ phải chịu mọi hậu quả".
Biểu tình Hong Kong ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát, tổ chức bầu cử dân chủ và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.
Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Trump có thể không ký Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc. Theo luật pháp Mỹ, nếu Trump không ký nhưng cũng không phủ quyết dự luật, nó sẽ tự động trở thành luật sau 10 ngày được quốc hội thông qua.
VietBF © sưu tầm