Nhiều người Việt ở Hong Kong ảnh hưởng nặng nề bởi biểu tình. Cuộc sống và công việc của một số người Việt làm ngành dịch vụ ở Hong Kong bị xáo trộn do biểu tình kéo dài.
Người dân Hong Kong biểu tình cuối tháng 7/2019. Ảnh: AP.
"Lượng khách đến Hong Kong gần đây giảm nhiều, do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình", Gianh Thanh, một người làm dịch vụ du lịch tại Kwai Fong, nói với *********.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đầu tuần này trở nên căng thẳng, khi hàng nghìn người tràn vào sân bay, đụng độ với cảnh sát. Đây là tháng thứ ba biểu tình ở Hong Kong tiếp diễn. Biểu tình bắt đầu từ tháng 6 khi người dân phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm tới các khu vực Hong Kong chưa ký hiệp ước, trong đó có Trung Quốc đại lục. Dù trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố dự luật "đã chết", người biểu tình xuống đường đòi rút hoàn toàn dự luật và bà phải từ chức.
Giang Thanh nhận thấy lượng khách Việt sang Hong Kong trong quý III năm nay giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, dù là mùa thấp điểm.
Nhà chức trách Hong Kong công bố lượng du khách giảm gần 70% tính đến giữa tháng 8. Giá khách sạn cũng bị giảm theo. GDP Hong Kong đã giảm 0,3% trong quý II so với quý trước. Doanh số bán lẻ cũng giảm tháng thứ 5 liên tiếp.
Annie Vu, chủ một xưởng dịch vụ rửa bát ở trung tâm Hong Kong, cho biết công việc kinh doanh bị ảnh hưởng khi có biểu tình. Xưởng của Annie thu thập bát đĩa của hơn 200 quán ăn.
"Ước tính doanh thu giảm đến 50% so với trước khi người dân phản đối dự luật dẫn độ đầu tháng 6", Annie nói.
Tuy nhiên, một số dịch vụ không quá phụ thuộc vào du lịch không bị tác động mạnh bởi biểu tình. Phương Nguyễn, một người làm việc trong nhà hàng ở khu Mongkok cho hay lượng khách vẫn duy trì như bình thường vì lượng du khách chiếm số ít.
Nói đến tác động của biểu tình đến cuộc sống sinh hoạt, Giang Thanh cho biết người dân Hong Kong biểu tình ở nhiều khu vực khác nhau. Khi có đông người tập trung thì một khu sẽ tạm đóng cửa trong vài tiếng, sau đó trở lại bình thường. Nếu tàu điện ngầm tạm ngưng thì xe bus sẽ được tăng cường.
Phương Nguyễn cũng cho biết phạm vi ảnh hưởng giới hạn ở những nơi có biểu tình. Việc đi lại đôi khi khá khó khăn, các cửa hàng bị ngưng hoạt động trong một khoảng thời gian.
Theo Annie, giao thông ở Hong Kong có tắc nghẽn nhưng không thường xuyên. Từ ngày 12/8, lương thực ở các khu chợ có dấu hiệu ít đi. Thịt lợn thiếu hàng và giá cao. Nhiều hàng kinh doanh hải sản đóng cửa do không nhập được hàng về. Tuy nhiên, các trường học không bị ảnh hưởng vì đang trong kỳ nghỉ hè.
Là người sống ở Hong Kong hơn 30 năm, Annie cho hay chị chưa từng nghĩ đặc khu có tình trạng hỗn loạn như hiện nay. Annie phản đối những hành động bạo lực của cảnh sát đối với người biểu tình, trong đó có nhiều sinh viên.
"Giống như nhiều người dân Hong Kong khác, tôi mong muốn bạo lực phải được chấm dứt", Annie nói.