Khói thuốc lá gây ảnh hưởng không chỉ đến phổi mà còn cả dạ dày của người hút. Thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi, vòm mũi họng mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới dạ dày của người hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động.
Trào ngược dạ dày do hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên tới 40%, thậm chí tới 82% ở người nghiện thuốc nặng so với người không hút thuốc lá.
Anh Đỗ Văn Tr. (Trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) tìm tới bác sĩ trong tình trạng viêm dạ dày trào ngược thực quản dù đã chữa ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Khi xét lại bệnh sử, các bác sĩ thấy anh Tr. thường xuyên hút thuốc lá với tần suất khoảng nửa bao/ngày.
Điều đầu tiên tư vấn cho anh Tr., Giáo sư Đào Văn Long, nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai khuyên anh cần bỏ thuốc lá hoàn toàn và điều trị trong một thời gian dài.
Theo Giáo sư Long, có thể nhiều người không biết rằng hút thuốc lá lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Lý do là trong thuốc lá chứa hàm lượng lớn nicotin. Đây là chất độc phá hủy hệ hô hấp cũng như hệ tiêu hóa. Khi người bệnh hít khói thuốc, chất cortisol được sản sinh ra nhiều hơn gây viêm loét nặng hơn, niêm mạc dạ dày bị suy yếu đi.
Hút thuốc lá làm lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể cũng như dạ dày chậm hơn, ngăn cản quá trình tiết chất nhầy của dạ dày. Thuốc lá đồng thời cũng làm giảm đáng kể tác dụng điều trị của các loại thuốc chữa viêm loét dạ dày cũng như ung thư dạ dày.
Thành phần đầu độc dạ dày
Thành phần của thuốc lá có rất nhiều chất gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng. Cụ thể, trong thuốc lá chứa hơn 4000 hóa chất các loại. Khoảng 200 loại trong số đó có hại cho sức khỏe của bạn. Phần lớn là các chất gây nghiện và những hóa chất độc hại. Có thể chia các chất trong thuốc lá thành 4 nhóm hóa chất chính:
Nicotine: Đây là một chất gây nghiện với nhiều tác hại cho sức khỏe. Nicotine khi tiếp xúc với không khí cũng tạo ra mùi đặc trưng của thuốc lá.
Khí CO (carbon monoxide): Đây là chất độc hại đi thẳng vào máu với mức độ hấp thụ gấp 20 lần oxy.
Những chất kích thích dạng khí và dạng hạt nhỏ: Đây là những chất cặn li ti bám vào phổi thực quản, vòm họng và xuống đến cả dạ dày của bạn.
Nhiều hợp chất gây ung thư: Trong đó có Benzopyrene, Dibenzopyrène, Cancérogènes… Tiếp xúc với các chất này sẽ khiến bạn có nguy cơ ung thư cao hơn nhiều lần so với người bình thường có lối sống lành mạnh hơn.
Những chất độc hại trong thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng mà còn khiến cho những người xung quanh bị ảnh hưởng. Các bệnh lý về phổi và dạ dày là một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở người hút thuốc lá.
Thống kê của các nhóm nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra có hơn 40% bệnh viêm loét dạ dày ở nam giới có liên quan đến thuốc lá. Tỉ lệ này ở phụ nữ là 33%. Trong đó có cả hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động.
Khi tiếp xúc với khói thuốc lá, nhiều cơ quan trên cơ thể chúng ta gặp phải những ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng đối với dạ dày, khói thuốc lá gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như: Kích thích bài tiết pepsin trong dịch vị dạ dày. Khi lượng pepsin tăng cao sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày. Trong đó có viêm loét dạ dày.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ trào ngược từ tá tràng vào dạ dày tăng rõ rệt. Thuốc lá còn làm tăng sản xuất các gốc tự do có trong dạ dày và hệ tiêu hóa. Cơ chế bảo vệ niêm mạc suy giảm, thúc đẩy các yếu tố gây viêm loét dạ dày, tá tràng phát triển. Chất độc từ thuốc lá làm cho lưu lượng máu đến niêm mạc giảm. Cơ chế tạo lớp nhầy bảo vệ niêm mạc ảnh hưởng đáng kể. Làm giảm khả năng tái tạo tế bào. Ảnh hưởng lớn đến thời gian phục hồi các tổn thương niêm mạc. Nguy cơ ung thư dạ dày và ung thư tại nhiều cơ quan khác trên cơ thể.
Bác sĩ Long khuyến cáo, những người đang bị bệnh dạ dày kể cả viêm dạ dày cũng cần phải bỏ ngay việc hút thuốc, đặc biệt đang trong quá trình điều trị. Việc bỏ thuốc chủ yếu vào quyết tâm của người bệnh, có thể mua kẹo cao su nhai từ từ để hạn chế cơn thèm thuốc.