Ký giả truyền hình Việt Nam nổi tiếng của đài CBS (Columbia Broadcasting System) ông Phạm Bội Hoàn đã qua đời trong bình an lúc 3:00 giờ chiều ngày 08/06/2019 tại Springfield, Virginia, hưởng thọ 85 tuổi, sau thời gian dài chống trả với ung thư.
Ông Hoàn sinh ngày 30 tháng 07 năm 1934 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội, được các Ký giả Mỹ làm việc cho CBS tại Sài Gòn gọi tắt là PBHoàn. Trước khi làm việc cho CBS, một trong 3 đài Truyền hình Mỹ gồm NBC (National Broadcasting Company) và ABC ( American Broadcasting Company) mở văn phòng theo dõi cuộc chiến Việt Nam, Ký giả Phạm Bội Hoàn là một trong những nhà báo nhiếp ảnh và truyền hình xuất sắc của Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Sau khi giải ngũ, Cameraman Hoàn đầu quân ngay cho CBS tháng 4 năm 1965, chỉ một tháng sau khi các đơn vị Thủy quân lục chiến đầu tiên Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng ngày 08/03/1965, mở đầu cho quyết định Hoa kỳ chính thức tham chiến tại Việt Nam.
Trong thời gian 10 năm làm việc cho CBS từ 1965 đến 1975 là khi cuộc chiến kết thúc, Ký giả Phạm Bội Hoàn đã có mặt ở mọi nơi để ghi lại những biến cố lịch sử vào ống kính.
Với chiếc máy quay phim nặng trĩu, khoảng 40 kí lô, trên vai, nhà báo truyền hình PB Hoàn đã làm cho các đồng nghiệp Mỹ và Việt Nam nể trọng trong mọi hoàn cảnh thu hình, dù khó khăn và nguy hiểm cách mấy. Vì vậy ông từng được các ký giả chiến trường Mỹ ca tụng là một trong hai “iron man” của Việt Nam vì sự can đảm và gan dạ khi họ đi theo các cuộc hành quân Việt-Mỹ. Người kia là Ký giả truyền hình Võ Huỳnh làm cho đài NBC.
Hai phim truyền hình chiến tranh nổi tiếng của BP Hoàn trên CBS là các trận giao tranh giữ quân CSVN tấn công vào căn cứ Khe Sanh năm 1968, và khi ông có mặt ở Huế năm 1968 để thu hình Ký giả danh tiếng hàng đầu của CBS và được dân Mỹ tín nhiệm nhất là Walter Cronkite, đi theo Thủy quân lục chiến Mỹ tiếp giúp Quân lực VNCH tái chiếm cố đô Huế trong trận Mậu Thân.
Sau đó, chính bài bình luận lịch sử 03 phút của Ký giả Walter Cronkite ngày 27/02/1968, sau khi từ Huế về Hoa Kỳ rằng “cuộc chiến không thể chiến thắng”, đã thay đổi dư luận Mỹ và khiến Tổng thống Dân chủ Lyndon Johnson phải bỏ ý định ra tranh cử Tổng thống.
Ứng cử viên Cộng hòa Richard Nixon sau đó đã đắc cử Tổng thống với lời hứa chấm dứt chiến tranh và đưa quân Mỹ về nước. Hậu qủa là ngày 30/04/1975 miền Nam mất vào tay quân Cộng sản miền Bắc vì chính quyền Hoa Kỳ của thời của Tổng thống Nixon và Generald Ford đã không giữ cam kết trả đũa quân Cộng sản khi Hà Nội vi phạm Hiệp định Paris để xua quân tấn công VNCH.
Với nhà báo truyền hình Phạm Bội Hoàn, sau khi di tản qua Mỹ năm 1975, ông được CBS cử làm người thu hình chính tại Tòa Bạch Ốc trong suốt 25 năm, qua 6 đời Tổng thống, trước khi nghỉ hưu.
PB HOÀN VÀ SBTN
PB Hoàn là người nổi tiếng trong hàng ngũ ký giả nước ngoài hơn đối với người Việt và báo chí Việt. Chỉ có những ai làm việc với các báo hay đài nước ngoài tại Sài Gòn trong thời gian chiến tranh mới biết rõ sự nghiệp của ông mà thôi.
Tuy nhiên, đối với Đài truyền hình SBTN nói chung và VATV ở vùng D.C. nói riêng, PB Hoàn lại có công rất lớn. Ông đã đáp lại lời mời của Nhạc sỹ Trúc Hồ, Tổng Giám đốc SBTN và của anh Võ Thành Nhân, Giám đốc VATV và SBTN-DC để truyền nghề “không công” và hết lòng chỉ dạy cho các khóa học viên biết thu hình và cách sử dụng ánh sáng từ A đến Z.
Ông cũng là người đã xin CBS cho VATV và SBTN-DC được sử dụng miễn phí nhiều dụng cụ được CBS thay thế trong những ngày Văn phòng trưởng Võ Thành Nhân mới “chập chững bước vào đời” truyền hình.
Vì vậy những hình ảnh đẹp và các góc cạnh của một cuộc phỏng vấn hay phóng sự của VATV và SBTN-DC có nhập vào mắt khán giả và được mọi người chú tâm theo dõi hay không, phần lớn đều có công của Ký giả quá cố Phạm Bội Hoàn.
Vì vậy mà vào năm 2006 VATV-SBTN đã vinh danh ông, và vào ngày 22/05/2017 tên PB Hòan đã được đặt tên cho Studio thu hình mới của SBTN-DC, gần Trung tâm thương mại Eden Center của người Việt vùng D.C.
Sự ra đi của PB Hoàn không chỉ là nỗi xót thương của Gia đình Bà Quả phụ Nguyễn-khoa Diệu-Lưu, mà còn là sự mất mát lớn lao của đại gia đình báo chí Việt Nam hải ngoại.
Phạm Trần (06/019)