Đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang rơi vào bế tắc. Hiện khó có thể thoát khỏi tình trạng bế tắc này. Theo chuyên gia nếu Washington vẫn muốn duy trì chính sách “cây gậy” và “củ cà rốt” như lâu nay thì không thể có thỏa thuận nào hết.
Chỉ có đàm phán với cách tiếp cận thiện chí và tin cậy lẫn nhau mới mở ra cánh cửa đi tiếp trên con đường phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 19-3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm chứng các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên thay vì chỉ dựa vào niềm tin. Sở dĩ ông Pompeo một lần nữa nhắc tới việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách có kiểm chứng bởi thừa nhận hiện giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đang tồn tại sự hoài nghi lớn khi tiến hành đàm phán nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Sự thừa nhận của quan chức lãnh đạo cao nhất cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cho thấy dù, đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên tại Singapore tháng 6-2018, song Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa vạch ra được một lộ trình khả thi với các bước đi cụ thể để thực hiện cam kết này. Nguyên nhân chính là giữa hai bên vẫn thiếu vắng sự tin cậy trong khi “thừa thãi” mối nghi kỵ đối với nhau.
Việc Triều Tiên đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nói cách khác là cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân, gây tranh cãi được xem là một sự đột phá so với lập trường lâu nay của Bình Nhưỡng trong vấn đề này. Tuy nhiên, điều mà Triều Tiên nhận lại không phải là sự đột phá trong lập trường cùng các bước đi tương ứng từ phía Mỹ.
Chính sách “cây gậy và củ cà rốt” trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà Mỹ thực thi lâu nay vẫn không có sự thay đổi mang tính bước ngoặt sau cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Điều này thể hiện rất rõ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai vào cuối tháng 2 vừa qua khi Washington vẫn muốn Bình Nhưỡng trước hết phải đơn phương thực hiện các bước đi phi hạt nhân hóa “một cách có kiểm chứng” rồi mới tính tới các bước đi nới lỏng trừng phạt, cấm vận từ phía Washington.
Đến với Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, Triều Tiên đã đề xuất những bước đi đầu tiên trong lộ trình phi hạt nhân hóa với một số cơ sở hạt nhân của nước này, đồng thời yêu cầu Mỹ có bước đi tương ứng bằng cách xóa bỏ một phần lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, phía Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa toàn bộ mới tính tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, hay nói cách khác là Washington vẫn giữ trừng phạt như “cây gậy” để áp đặt điều kiện tiên quyết với Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân. Ngoại trưởng Pompeo khi trả lời phỏng vấn ngày 19-3 cũng tiếp tục khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn được Washington duy trì khi Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế song song với đàm phán sẽ mang lại “kết quả thực sự tốt đẹp”.
Cách tiếp cận “cửa trên” trong đàm phán vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên đang khiến tiến trình này rơi trở lại bế tắc. Trong đó, đáng lo ngại là có những thông tin và động thái cho thấy Triều Tiên không loại trừ việc nối lại các hoạt động thử hạt nhân hoặc tên lửa để xem như một sự đáp trả với lập trường cứng rắn của phía Mỹ.
Rõ ràng, chỉ có cách tiếp cận đúng với thiện chí và sự tin cậy từ cả hai phía mới mở ra cánh cửa đi tiếp trên con đường phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên