Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu "rất trang nghiêm với cách dùng từ cứng rắn" trước các lãnh đạo cấp cao của nước này phải đương đầu với "một cuộc chiến khó khăn" để ngăn chặn rủi ro, bởi Bắc Kinh đang có mối lo ngại sâu sắc về cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường.
Ảnh: EPA
Trong phiên thảo luận 4 ngày của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu "rất trang nghiêm với cách dùng từ cứng rắn" trước các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc nhằm tăng cường sự thận trọng trước những thách thức ảnh hưởng tới sự ổn định và quá trình cải cách của đất nước.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, khi bế mạc phiên họp, ông Vương Hỗ Ninh - được coi là một nhà tư tưởng của Bắc Kinh, đồng thời là một trong những nhân vật quyền lực nhất Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã thúc giục các cán bộ nước này phải đương đầu với "một cuộc chiến khó khăn" để ngăn chặn rủi ro.
Ngoài ra, cả ông Tập và ông Vương đều khuyến khích các cán bộ Trung Quốc phát triển "lối suy nghĩ mấu chốt" để chuẩn bị cho "tình huống tồi tệ nhất".
Theo Sputnik, trong phiên họp, ông Tập Cận Bình đã đề cập tới "những diễn biến quốc tế khó lường và một môi trường bên ngoài vừa phức tạp, vừa nhạy cảm", ám chỉ tới cuộc chiến thương mại của Bắc Kinh và Washington.
Phát ngôn viên Học viện Quản lý Trung Quốc Zhu Lijia nhận định: Các phát ngôn mà ông Tập Cận Bình và ông Vương Hỗ Ninh đưa ra cho thấy Bắc Kinh đang có mối lo ngại sâu sắc về cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường.
"Bài phát biểu của ông Tập rất nghiêm trọng, với những từ ngữ cứng rắn", Zhu nói với SCMP, "Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ hiển hiện trong năm 2019".
"Không phải chỉ có nước Mỹ, mà cả Liên minh Châu Âu, Australia và các nước phương Tây khác đều tham gia vào cuộc đối đầu về tư tưởng này", Zhu nói thêm.
Trong khi đó, nhà bình luận chính trị Zhang Lifan đồng ý rằng cuộc chiến thương mại đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.
"Cuộc chiến thương mại có thể sẽ không kết thúc vào năm nay và kể cả có đi chăng nữa thì những thay đổi mang tính cấu trúc đối với nền kinh tế của Trung Quốc [theo yêu cầu của Mỹ] sẽ đặt ra thách thức cho Trung Quốc", ông Zhang nói.
"Và những thay đổi ấy sẽ không đủ để chấm dứt tình trạng đối đầu dài hạn và thực tế rằng Mỹ coi Trung Quốc là một đối thủ".
"Ông Tập đã xác định 7 khu vực rủi ro - về cơ bản thì chẳng có khu vực nào không rủi ro cả", Zhang khẳng định, "Đây là phát ngôn nghiêm trọng nhất từ ông Tập và thường được đưa ra khi ông cần các lãnh đạo đoàn kết hơn".
Mỹ và Trung Quốc đã mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 25% lên 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Kể từ thời điểm đó, hai nước đã thay nhau áp các loạt thuế mới lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa nhập khẩu.
Các phái đoàn Mỹ và Trung Quốc hiện đang tham gia đàm phán thương mại, trong khi Washington cảnh báo rằng nước này sẽ tăng cường áp thuế nếu không đạt được thỏa thuận thương mại vào 1/3 tới.
Chính quyền ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh có những động thái thương mại không công bằng, đặc biệt là hành động đánh cắp công nghệ Mỹ và tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ.