Mỹ đưa nhiều khí tài áp sát Nga nhằm gửi Nga một thông điệp vì lo ngại việc Nga gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đen và Biển Nhật Bản sẽ đe dọa lợi ích của Washington và đồng minh.
Một trinh sát cơ OC-135 Mỹ chuyên dùng cho Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: USAF.
Máy bay giám sát OC-135B Mỹ hôm 6/12 thực hiện "chuyến bay bất thường" theo Hiệp ước Bầu trời Mở (OST) trên không phận Ukraine. Mỹ mới đây cũng điều một khu trục hạm tuần tra tự do hàng hải ngay gần các căn cứ hải quân Nga ở khu vực Viễn Đông và chuẩn bị triển khai một tàu chiến đến Biển Đen. Giới quan sát cho rằng những động thái triển khai khí tài liên tiếp áp sát nước Nga này là một thông điệp mà Washington đang gửi tới Moskva, theo CNN.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon khẳng định sự xuất hiện của chiếc OC-135 tái khẳng định cam kết của Washington với Kiev và các nước đối tác, nhất là sau vụ tàu cảnh sát biển Nga nổ súng bắt ba chiến hạm Ukraine trên Biển Đen. "Lầu Năm Góc đang phát tín hiệu đáp trả hành động bị cho là khiêu khích và khiến tình hình khu vực ngày càng căng thẳng của Nga", Peter Singer, học giả ở Cơ quan nghiên cứu Mỹ Mới (NA), nhận định.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký năm 1992 theo sự khởi xướng của cố tổng thống Mỹ George H.W. Bush với sự tham gia của 34 nước thành viên, nhằm thúc đẩy minh bạch trong hoạt động quân sự. Nó có hiệu lực từ 1/1/2002 sau khi được Nga thông qua, cho phép các nước thành viên thực hiện những chuyến bay phi vũ trang qua không phận của nhau để thu thập thông tin về lực lượng quân sự.
Kể từ sau vụ đụng độ ở eo biển Kerch hôm 25/11, có nhiều đồn đoán cho rằng Nga đang tập kết lực lượng lớn ở sát biên giới Ukraine, gây lo ngại về một cuộc tấn công lớn nhằm vào Ukraine. "Việc Mỹ sử dụng OST để nắm tình hình, thu thập hình ảnh và chia sẻ dữ liệu cho các nước thành viên Tổ chức Anh ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE ) là hợp lý", chuyên gia Joseph Trevithick đánh giá.
Phải ứng có phần cứng rắn của Lầu Năm Góc khác hẳn với sự im lặng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau vụ Nga bắt tàu chiến Ukraine. "Điều thú vị là sự không thống nhất giữa thông điệp Lầu Năm Góc muốn gửi tới Nga và thái độ in lặng của ông chủ Nhà Trắng", Singer nói.
USS McCampbell trong một cuộc duyệt đội hình trên biển năm 2008. Ảnh: US Navy.
Trong khi nhiều lãnh đạo thế giới chỉ trích hành động của Nga trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, Trump mất hơn một ngày cân nhắc và quyết định giữ im lặng, đồng thời giao nhiệm vụ chỉ trích Nga cho Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
"Dù Trump dường như không muốn áp dụng biện pháp cấm vận và trừng phạt ngoại giao để đối phó Nga, chính quyền Mỹ vẫn có thể sử dụng quân đội để gây áp lực cho đến khi đạt được thế cân bằng", Boris Ziberman, chuyên gia nghiên cứu Nga, nhận định.
Chuyến tuần tra của tàu USS McCambell gần vịnh Peter Đại đế thuộc Viễn Đông của Nga hôm 5/12 đánh dấu lần đầu Mỹ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại khu vực này kể từ năm 1987.
Nga bị cáo buộc tiếp tục quân sự hóa khu vực gần biển Nhật Bản, đồng thời tìm cách tăng cường vai trò ở Thái Bình Dương. Động thái mới nhất của Mỹ cho thấy Washington ngày càng lo ngại về vị thế của Moskva ở khu vực này. Lầu Năm Góc đang cố gắng hình thành ranh giới ngăn chặn tình hình leo thang trong khu vực.
"Mỹ không muốn Nga quân sự hóa các khu vực then chốt như Biển Đen, biển Nhật Bản hoặc vùng Okhotsk hay bất cứ nơi nào. Điều đó sẽ chống lại lợi ích của Mỹ và đồng minh", Zilberman nhấn mạnh.
VietBF © sưu tầm