Sau khi có động thái tích cực là gỡ mìn ở biên giới với Hàn Quốc, Triều Tiên lại lên giọng với Mỹ. Theo đó Bình Nhưỡng cảnh báo Mỹ rằng không nên xem tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên là quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) bắt tay ông Kim jong-un tại Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA
Theo hãng tin KCNA, Bình Nhưỡng đã tìm ra biện pháp để chấm dứt quan hệ thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên nhưng Washington đang cố gắng khuất phục nước này thông qua các biện pháp trừng phạt. KCNA kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên nếu muốn đạt được những tiến bộ xa hơn trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
KCNA cũng nhấn mạnh tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 không bao giờ được xem là một quân bài mặc cả để Bình Nhưỡng chấm dứt hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Bình luận của hãng tin nhà nước Triều Tiên được cho là nhắm đến những người ủng hộ chính sách duy trì áp lực và trừng phạt tối đa lên Bình Nhưỡng của Washington để nước này thực hiện các bước đi cụ thể và rõ ràng trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Hãng tin AP cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – một trong những người ủng hộ chính sách nói trên - dự kiến đến Bình Nhưỡng sớm để khôi phục tiến trình đàm phán cũng như lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho khẳng định Triều Tiên sẵn sàng tuân thủ các cam kết mà hai ông Trump và Kim đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6. Tuy nhiên, ông Ri cáo buộc Washington không sẵn sàng giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin lẫn nhau.
Các cuộc đàm phán được thắp hy vọng sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp ông Kim ở Bình Nhưỡng vào tháng trước.
Hội nghị đưa ra tuyên bố chung, trong đó Triều Tiên bày tỏ sự sẵn sàng tháo dỡ một cơ sở hạt nhân chính ở Nyongbyon vĩnh viễn - nếu Mỹ có những biện pháp giảm căng thẳng tương ứng. Ông Kim cũng cam kết tháo dỡ một địa điểm thử nghiệm tên lửa và bệ phóng ở phía Tây Bắc Hàn Quốc.
Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 1-10 bắt đầu tháo dỡ mìn tại Khu vực an ninh chung (JSA) và huyện Cheorwon, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc (MND) thông báo. Quá trình này dự kiến kéo dài khoảng 20 ngày.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, MND cho biết Hàn Quốc sẽ triển khai một nhóm kỹ sư để loại bỏ mìn ở khu vực phía Đông và phía Tây, xung quanh tháp giám sát trong JSA.
Trước đó, Seoul, Bình Nhưỡng, và Liên Hiệp Quốc đã thông qua kế hoạch thành lập một cơ quan tư vấn để tham khảo và thực hiện các biện pháp phi quân sự. Sau khi tháo dỡ mìn trong khu vực, các bên sẽ tiếp tục loại bỏ các trạm gác, nhân viên quân sự và vũ khí trong vòng 5 ngày, đồng thời rút các thiết bị giám sát không cần thiết.
Therealrtz © VietBF