Hôm qua diễn ra Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ở Nauru. Đại diện phía Trung Quóc bị chọc giận, tức tốc rời khỏi các cuộc họp kín sau khi lời qua tiếng lại với Tổng thống nước chủ nhà Baron Waqa.
Quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương chủ trì hội nghị thượng đỉnh quy tụ 18 quốc gia này được cho là đã chọc giận phái đoàn Trung Quốc ngay từ ngưỡng cửa nước nhà khi họ từ chối đóng dấu thị thực vào hộ chiếu ngoại giao của các đại diện đến từ nền kinh tế số 2 thế giới. Thay vào đó, phái đoàn Trung Quốc chỉ được phép dùng hộ chiếu cá nhân. Diễn biến tưởng như chỉ là tiểu tiết lại suýt làm trật bánh thượng đỉnh ngoại giao thường niên lớn nhất Thái Bình Dương, đồng thời phơi bày những vấn đề nhạy cảm về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nauru không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và là một trong số ít quốc gia ở Thái Bình Dương công nhận Đài Loan.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đón tiếp Tổng thống Nauru Baron Waqa trong một chuyến thăm năm 2017. ẢNH: CAN
Một số lá thư từ lãnh đạo một số nước thành viên của PIF vốn nhận nhiều viện trợ và các khoản vay "mềm" của Trung Quốc gửi cho Tổng thống Waqa rò rỉ hôm 4-9, trong đó bộc lộ phản ứng gay gắt trước cách đối xử của chủ nhà PIF với các đại diện của Bắc Kinh. Theo đó, Thủ tướng Samoa Tuilaepa Sailele Malielegaoi dọa rút khỏi hội nghị trong khi lãnh đạo Fiji đè nặng áp lực tương tự lên Nauru.
Theo báo The Australian (Úc), nhằm xoa dịu tình hình, lãnh đạo nước chủ nhà sau đó đề xuất đóng dấu thư chấp nhận thị thực, thay vì hộ chiếu, cho phái đoàn Trung Quốc. Ông Waqa nói Trung Quốc không phải là thành viên PIF nhưng là một trong 18 nước tham dự với vai trò đối tác đối thoại. Tuy nhiên, căng thẳng có vẻ tiếp tục bùng phát trong các cuộc họp hôm 4-9 và không rõ do đâu các đại biểu Trung Quốc tức tối bỏ ngang thảo luận. Diễn biến này nổi lên giữa lúc Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne hối thúc Trung Quốc lưu ý tới những tiêu chuẩn do Canberra áp dụng khi đổ viện trợ vào Thái Bình Dương. Nhấn mạnh những tiêu chuẩn về tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng, nữ bộ trưởng Úc nhắn nhủ thêm: "Chúng tôi mong mỏi được hợp tác với tất cả những ai muốn đóng góp một cách xây dựng".
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Lowy (Úc), Trung Quốc viện trợ khoảng 1,78 tỉ USD, trong đó có các khoản vay ưu đãi, cho các nước Thái Bình Dương từ năm 2006-2016. Chiến lược "quyền lực mềm" của Bắc Kinh khiến Úc và New Zealand - hai quốc gia thúc đẩy các chương trình viện trợ nhằm duy trì ảnh hưởng ở khu vực vốn được coi là sân sau của mình - cảnh giác. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ soán ngôi Úc trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho khu vực sau cam kết viện trợ 4 tỉ USD hồi năm ngoái. Bắc Kinh được cho là duy trì quan hệ ngoại giao gần gũi với các quốc gia lớn ở khu vực, bao gồm Fiji, Samoa và Papua New Guinea. Fiji đã nhận các khoản viện trợ và vay nợ trị giá 360 triệu USD từ Trung Quốc trong một thập kỷ qua, còn Samoa nhận khoảng 230 triệu USD.