Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc và Nga tiếp tay cho Triều Tiên. Chính phủ Mỹ áp lệnh trừng phạt đơn phương và thực thi thẩm quyền vượt lãnh thổ. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 23-8 phản đối và kêu gọi Mỹ rút lệnh cấm vận Triều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trước đó vào hôm 22-8, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách trừng phạt đối với 16 công ty và cá nhân.
Washington coi việc các thực thể - cá nhân này làm ăn với Triều Tiên đồng nghĩa với việc hỗ trợ tài chính cho Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
Trong số đó có sáu công ty Trung Quốc và một người Trung Quốc, một công ty Nga và bốn người Nga, một công ty Triều Tiên và một người Triều Tiên, cùng hai công ty Singapore.
Trong phát biểu ngày 23-8, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh sẽ tuân thủ luật pháp của mình, bằng việc tự điều tra cũng như trừng phạt nếu cần thiết, đối với các công ty nằm trong diện cáo buộc.
Bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc đã thực hiện “nghiêm túc và toàn diện” lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp lên Triều Tiên, và rằng “những nỗ lực của chúng tôi là điều ai cũng thấy”, theo AP.
Trong thời gian qua, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang sau hàng loạt cuộc công kích nhau trên mặt báo và mạng xã hội. Washington khẳng định Bình Nhưỡng vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và kêu gọi cơ quan này áp đặt lệnh trừng phạt.
Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu chấp thuận về việc trừng phạt Triều Tiên, và được cho đã hạn chế giao dịch với Triều Tiên, bao gồm quá trình ngừng nhập khẩu than đá.
Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn thực hiện những bước đi đơn phương khác trong việc ngăn chặn dòng tiền chảy về Triều Tiên - vốn bị xem sẽ phục vụ mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân.
Điều này trùng với giai đoạn Triều Tiên hồi tháng trước phóng thử hai tên lửa đạn đạo liên lục địa với khả năng có thể chạm tới lãnh thổ Mỹ.