Tổng thống Obama dù không muốn cũng phải nói lời chia tay với nhân viên Nhà Trắng. 8 năm, 2 nhiệm kỳ tổng thống đã kết thúc và giờ chia tay đang đến dần. Cùng vietbf nhìn lại chuyến tàu đã đưa ông Obama từ nơi cách Washington 200km đến thủ đô nước Mỹ. Suốt chặng đường hơn 200 km đến thủ đô Washington làm lễ nhậm chức tổng thống năm 2009, ông Obama đã bắt gặp rất nhiều người dân đứng giữa trời đông giá rét chờ mình, vẫy tay chào từ xa và cầm những biểu ngữ ủng hộ.
Ngày 17.1.2009, ba ngày trước lễ nhậm chức tổng thống thứ 44 ở Nhà Trắng, ông Obama lên chuyến tàu từ Philadelphia tới Washington.
"Khi tôi chuẩn bị đến Washington, trên chuyến tàu mà chính các bạn đã tạo ra, tôi biết mình sẽ không phải đi một mình", ông nói với những người ủng hộ vào sáng hôm đó.
"Tôi sẽ đưa một số đàn ông và phụ nữ mà tôi gặp dọc đường theo cùng. Những người Mỹ từ mọi ngóc ngách của đất nước này, những người mang cả niềm hy vọng và nỗi buồn, là cốt lõi trong động lực của chúng tôi, những người mà giấc mơ và cuộc đấu tranh của họ đã trở thành của riêng tôi. Tiếng nói của họ tôi sẽ mang theo mình mỗi ngày ở Nhà Trắng. Câu chuyện của họ tôi sẽ luôn nghĩ đến khi chúng tôi tạo ra những thay đổi mà các bạn đã lựa chọn tôi để thực hiện chúng".
Nhiếp ảnh gia Nina Berman là một trong những người có mặt trên chuyến tàu đồng hành cùng ông Obama suốt hơn 200 km. Bà đã ghi lại những hình ảnh mình nhìn thấy qua cửa sổ, những người dân không đi trên con tàu nhưng đóng góp một phần lớn để tạo ra chuyến đi này.
Giữa thời tiết giá rét, họ dừng lại bên đường khi thấy chuyến tàu chở tổng thống đắc cử đi qua và vẫy tay chào.
"Từ khi bắt đầu, chúng tôi đã có thể nhìn thấy những đám đông tập trung dọc đường", bà Berman kể. "Tuy nhiên, vừa nên thơ lại vừa bi thảm là chuyến tàu này được niêm phong và vì thân thế của ông Obama lúc đó, ông ấy thực sự không thể tương tác với người dân vì các lý do an ninh. Mọi người đứng đó nhưng họ không thể nhìn thấy ông ấy khi con tàu lướt qua".
Chuyến tàu lao đi rất nhanh nên đôi lúc bà Berman không biết mình đang chụp điều gì và những bức ảnh sẽ trông như thế nào.
Tàu đã đỗ lại ở một số ga dọc đường. Tại Wilmington, bang Delaware, ông Obama đã đón phó tổng thống đắc cử Joe Biden.
"Chúc mừng sinh nhật cô! Chào mừng tới Wilmington!", ông Biden nói với bà Michelle Obama, người bước qua tuổi 45 vào hôm đó. Sau đó, tại thành phố Baltimore, gia đình Obama và gia đình Biden đã tổ chức một cuộc mít tinh.
Bà Berman cũng chụp những bức ảnh tại sự kiện trên nhưng bà nhận ra mình thích chụp ảnh trên con tàu đang di chuyển hơn.
"Tôi mong chờ những đám đông", bà nói. "Tôi luôn cảm thấy kinh ngạc khi thấy ai đó chỉ đứng một mình và không biết họ đã đứng đó bao lâu, có thể là vài giờ".
Những người dân đã bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú lẫn hạnh phúc. Họ thuộc nhiều lứa tuổi, giới tính, màu da, tầng lớp.
Từ trên tàu, bà Berman cũng nhận thấy sự thay đổi về kiến trúc dọc đường hay những ngôi nhà ngày càng nằm sát đường ray hơn. Có những người đứng trên đường phố nhưng cũng có những người ngắm chuyến tàu từ sân sau nhà họ.
Nhiếp ảnh gia cho rằng điều tuyệt vời trong những bức ảnh là mọi người không bị phụ thuộc vào điện thoại thông minh như bây giờ. Họ đứng nhìn con tàu, vẫy tay chào, không selfie và nếu có cầm một thiết bị thì đó là một chiếc máy ảnh nhỏ.
Người dân cầm bảng chữ "Yes We can" (Vâng chúng ta có thể), khẩu hiệu tranh cử của ông Obama.
Theo bà Berman, việc một tổng thống đắc cử của Mỹ đi tàu đến lễ nhậm chức là hiếm có vì họ thường dùng máy bay tới Washington. "Tôi nghĩ ông Obama đã cố gắng biến chuyến đi thành một thứ gì đó mà dân chúng có thể tham gia", bà nói.
Chuyến tàu còn có một ý nghĩa khác. Obama đã đi theo con đường của một tổng thống Mỹ mà ông vô cùng kính trọng và biết ơn, đó là Abraham Lincoln. Tháng 2/1861, ông Lincoln đã đi tàu tới lễ nhậm chức của mình.
"Tôi nghĩ đó là một khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử Mỹ, dù mọi người có bỏ phiếu cho Obama hay không", bà nói về việc ông Obama đắc cử tổng thống. "Đó là một thời điểm lịch sử có ý nghĩa sâu sắc và cũng là một sự lạc quan. Mọi người ngày nay đang nói về sự chia rẽ trong đất nước, những điều xấu xa và các phát biểu chính trị nhưng điều đó không xảy ra vào đầu năm 2009. Có những thứ đã thay đổi suốt từ đó đến nay".