Mặc dù tiếng Việt còn rất hạn chế và bản thân chưa có điều kiện thường xuyên sống ở Việt Nam nhưng hai an em Việt kiều này vẫn dành một tình yêu vô hạn đối với Tết truyền thống của dân tộc. Trước khi Tết đến, hai anh em dù có bận tới mấy cũng dành chút thời gian để chuẩn bị chu đáo cho ngày Tết cận kề. Hãy cùng vietbf khám phá nhé!
Vovinam – công cụ bảo vệ bản thân và đến với văn hóa Việt
Mỗi dịp Tết đến, dù bận rộn với công việc riêng, Đức và Thiện vẫn dành 1 tháng để tập luyện các tiết mục múa lân phục vụ khán giả, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Múa lân sư rồng là một môn nghệ thuật dân gian đường phố có nguồn gốc từ Trung Quốc, ra đời cách đây hơn 1500 năm. Sau này, nó đã theo chân một số người Hoa sang lập nghiệp và du nhập vào nước ta. Sau một thời gian dài trường tồn và phát triển, đến ngày nay môn nghệ thuật này đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Và ngày nay, ở thành phố Chicago đất Mỹ, múa lân lại là cách để các bạn trẻ Việt kiều thế hệ thứ 2, thứ 3 gìn giữ nét văn hóa quê hương.
Trịnh Đức (sinh năm 1988) và Trịnh Thiện (1994) là hai anh em ruột. Họ có bố mẹ đều là người Việt Nam nhưng đã nhập cư và mang quốc tịch Mỹ. Hai anh em đang là những thành viên tích cực nhất trong đội lân vovinam thành phố Chicago.
Sang Mỹ từ năm 4 tuổi, ký ức của Đức về Việt Nam không nhiều, nhưng chính môn nghệ thuật múa lân đã trở thành nhịp cầu nối anh chàng với mạch nguồn văn hóa truyền thống quê Việt.
“Tôi tham gia Vovinam (Việt võ đạo – môn võ được phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật trên khắp thế giới) từ năm 10 tuổi. Là một cậu bé Việt lớn lên ở Mỹ tôi và em trai của mình thường xuyên bị những đứa trẻ trong trường học bắt nạt. Một người bạn của bố tôi có con đang theo Vovinam và vì vậy liền cho anh em tôi tham gia.
Vovinam không chỉ cho tôi biết làm thế nào để bảo vệ mình và em trai mà còn giúp hai anh em hiểu được rất nhiều về văn hóa Việt. Võ thuật vovinam giúp chúng tôi có sức khỏe và kỹ thuật cơ bản để đến với múa lân sư rồng” - Đức chia sẻ về cơ duyên đến với múa lân vovinam.
Hiện tại, dù đã có vợ con và công việc ổn định, Đức vẫn dành đam mê với múa lân và hiện là Đội trưởng đội múa lân vovinam Chicago. Anh thường xuyên đi biểu diễn phục vụ cộng đồng vào các dịp Tết Trung thu, sinh nhật, đám cưới và đặc biệt là Tết Nguyên Đán với tình yêu và mong muốn giữ gìn phong tục Việt Nam cho thanh niên Việt ở Chicago.
Những ngày cận Tết, Đức và em trai mình lại dành thời gian luyện tập nhảy ghế, đánh trống, sửa những đầu lân bị hư, sứt qua các năm biểu diễn; chuẩn bị những tiết mục điêu luyện, hấp dẫn nhất để ngày Tết phô diễn.
Em trai của Đức là Thiện cũng say mê vovinam và múa lân sư rồng. Trịnh Thiện được bố mẹ cho tham gia vovinam từ năm 12 tuổi. Hai anh chàng gốc Việt đều nhắc đến người thầy rất giỏi và đẹp trai mà họ thường gọi là anh – anh Long, khi chia sẻ về niềm đam mê múa lân vovinam của mình. Ngoài dạy kỹ thuật, anh Long thường xuyên giới thiệu về văn hóa Việt và tinh thần thượng võ với những học trò Việt kiều của mình.
“Không bỏ được vì thương lắm”
Đó là câu nói thường xuyên của Trịnh Thiện khi được hỏi lý do anh gắn kết với múa lân vovinam đến vậy dù gia đình có giai đoạn bố mẹ kịch liệt phản đối hai con trai tham gia múa lân.
Điều khiển một con lân với những màn nhảy lộn đẹp mắt mang không khí Tết Việt đến khán giả là mồ hôi, nước mắt và cả máu của những thành viên. Chỉ cần một chút sơ xảy, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhẹ là bầm dập, xát xước, nặng thì gãy xương…
Một tiết mục múa lân cần ít nhất 2 người để điều khiển đầu và đuôi. Loại hình nghệ thuật đặc thù này đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện, sự kết hợp nhuần nhuyễn trong từng động tác giữa những thành viên trong đội, bởi vì lỡ một nhịp thì ai cũng biết, hậu quả xảy ra là khó lường.
“Bố mẹ bảo hai anh em: Không là không! Nhưng đam mê đã ngấm vào máu. Rồi dần già Thiện và Đức đã lay chuyển được bố mẹ. Mỗi lần biểu diễn, anh em thường mời bố mẹ và cả bạn bố mẹ đến xem. Sau này, bố mẹ cũng rất tự hào với các con trai khi thấy anh em biểu diễn những màn múa lân đặc sắc”, Trịnh Đức nói.
Thiện tâm sự, cái khó nhất khi biểu diễn múa lân không chỉ là sức khỏe và kỹ thuật mà còn là “cái tình” dồn vào mỗi tiết mục. Sự gắn kết, phối hợp giữa các thành viên trong đội múa lân cũng chính là một biểu hiện sự gắn kết trong truyền thống trọng nghĩa tình của người Việt.
Và trên hết, trong tim hai anh em trai gốc Việt này luôn ắp đầy sự háo hức, say mê khi được trình diễn những màn múa lân truyền thống đặc sắc mang phúc lộc năm mới để nét phong tục Tết Việt được lưu giữ, có chỗ đứng trong cộng động người Việt xa quê, đặc biệt là các bạn trẻ Việt kiều.
vbf @ sưu tầm