Phát hiện mới đây của các nhà khoa học đã gây bất ngờ, đặc biệt với những người hay vào bếp. Mới đây các chuyên gia đã công bố đứng nấu bếp và thực hiện các thao tác chiên, rán đồ ăn cũng có thể hít phải các chất gây ung thư. Điều này sẽ khiến mọi người phải cẩn thận hơn trong quá trình nấu ăn.
Phát hiện giật mình về dầu ăn quá nhiệt sinh ra chất gây ung thư
Cuối năm 2014, Martin Grootveld - một giáo sư về phân tích sinh hóa và bệnh lý hóa học tại Đại học De Montfort ở Leicester (Anh) - và nhóm của ông đăng 1 báo cáo trên tạp chí Journal of American Oil Chemists’ Society.
Trong báo cáo có những thông tin khiến người đọc phải giật mình về dầu ăn khi đun quá nhiệt có thể sinh ra chất gây ung thư. Nội dung của báo cáo như sau:
- Cảnh báo một số aldehyde sinh ra từ các quá trình sốc nhiệt thực phẩm như acrolein, crotonaldehyde, furfural, glycidaldehyde có thể gây ung thư.
- Đáng lưu ý là báo cáo này cảnh báo dầu ăn khi đun trong nhiệt độ 180 độ C trong thời gian 10 phút, tốc độ aldehyde tăng đáng kể.
Điều này có lẽ sẽ làm cho các bà nội trợ giật mình vì quá trình chiên, rán thức ăn thường lâu hơn 10 phút, sử dụng nhiều dầu. Chỉ có điều khác với nghiên cứu là nhiệt độ chiên dầu thực tế thường không cao đến 180 độ C.
- Báo cáo cũng so sánh giữa 2 loại dầu ô liu và dầu hướng dương và thấy rằng các chất aldehyde trong dầu hướng dương cao hơn dầu ô liu rất nhiều.
Nguyên nhân là vì hàm lượng chất béo trong dấu hướng dương cao hơn rất nhiều so với dầu ô liu, mà các aldehyde này là sản phẩm chủ yếu từ việc oxy hóa nhóm chất béo này.
Kết luận của nhóm nghiên cứu là dầu càng có hàm lượng chất béo chưa bão hòa đa cao thì càng sinh các aldehyde nhiều hơn trong thời gian ngắn.
Thứ tự các loại dầu chứa hàm lượng chất béo chưa bão hòa đa như sau (danh sách xếp theo hướng giảm dần): Dầu hướng dương, dầu ngô, dầu oliu, bơ, dầu dừa.
Người đứng bếp bị ảnh hưởng nhiều nhất
Báo cáo của GS Martin Grootveld và cộng sự cũng cảnh báo một điều ít người nghĩ đến rằng: Chất các aldehyde thường dễ bay hơi trong quá trình nấu nướng, và người hứng chịu đầu tiên và nhiều nhất chính là người trực tiếp nấu bếp.
Các aldehyde dễ bay hơi ảnh hưởng trực tiếp đến phổi của bà nội trợ.
Điều này trùng hợp với kết luận của một nhóm nghiên cứu khác ở Singapore năm 2010. Nhóm này đã theo dõi 50 phụ nữ không hút thuốc, không rượu bia, thường xuyên nấu món ăn theo kiểu Trung Quốc (chiên xào và dùng dầu ăn nhiều).
Qua nghiên cứu, họ thấy rằng trong nồng độ máu của các phụ nữ này có các chất dễ bay hơi và có khả năng gây ung thư cao từ 1,5 đến 3,2 lần so với nhóm người không đứng bếp thường xuyên.
Từ 2 báo cáo này có thể thấy lo ngại của các nhà nghiên cứu về các aldehyde bay hơi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bà nội trợ là hoàn toàn có cơ sở.
Điều này cũng lý giải được vì sao ở Việt Nam, ung thư phổi lại đứng thứ 2 trong số các loại ung thư phụ nữ mắc phải, cao xấp xỉ ung thư vú (tất nhiên không loại trừ yếu tố ô nhiễm môi trường).
VietBF © Sưu Tầm