Giá dầu mỏ thế giới vẫn tiếp tục đà lao dốc. Chẳng nước nào có thể thờ ơ trước cú sốc bất ngờ này. Thế nhưng, trong khi nhiều nước vui mừng trước cơ hội hiếm có thì không ít nước lại đang đau đầu khi nguồn thu sụt giảm.Chốt phiên giao dịch ngày 18-12 trên thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 1-2015 giảm 2,36 USD xuống còn 54,11 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2009. Trong khi đó, tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2-2015 cũng giảm 1,91 USD xuống còn 59,27 USD/thùng. Với mức giá thấp như hiện nay, người thua thiệt đương nhiên là các nhà sản xuất và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Các chuyên gia kinh tế tính rằng, nếu giá dầu Brent giảm xuống 80 USD/thùng, các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ mất 200 tỷ USD trong số doanh thu 1 nghìn tỷ USD, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng kiếm đủ tiền để trang trải cho ngân sách ngày càng rộng ra, mà còn ảnh hưởng đến khả năng trả lãi các khoản nợ. Đứng đầu danh sách các nước bị thiệt hại bởi giá dầu giảm là Venezuela, Iran và Nga. Đây là những nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ để tài trợ cho các chương trình của chính phủ, đặc biệt các chương trình chuyển giao lớn. Người ta tính rằng ngay cả khi giá dầu mỏ ở mức tương đối khoảng 75 - 80 USD/thùng, chính phủ các nước này cũng phải rất khó khăn khi cân đối tài chính cho các chương trình an sinh quốc gia. Trong khi đó, giá dầu giảm lại là tin tốt lành với nhiều người, trước hết là nền kinh tế số 1 thế giới - Mỹ. Nếu xét đến thực tế mỗi hộ gia đình Mỹ chi 2.900 USD cho xăng dầu trong năm 2013, thì giá dầu giảm sẽ mang lại số tiền hoàn thuế là 600 USD/hộ, giúp họ có thể tăng thêm các khoản chi cho tiêu dùng. Tương tự, giá dầu giảm thúc đẩy lượng cầu tiêu dùng tại châu Âu, châu Á và nhiều khu vực khác. Trên quy mô toàn cầu, giá dầu giảm sẽ mang lại một khoản “trời cho” 1,8 tỷ USD mỗi ngày, khoảng 660 tỷ USD mỗi năm. Rất nhiều đối tượng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. Chẳng hạn, theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), dầu thô lao dốc sẽ giúp các hãng bay giảm đáng kể chi phí nhiên liệu - khoản chi lớn nhất trong ngành này. Chi phí nhiên liệu cho các hãng bay sẽ giảm xuống 192 tỷ USD năm tới, từ 204 tỷ USD dự đoán năm nay, kéo theo khả năng giá vé sẽ giảm khoảng 5%. Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giá dầu giảm sẽ có lợi cho nhiều quốc gia ở châu Á, nhờ đó triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển trong khu vực sẽ vẫn ổn định. Thậm chí theo ADB, giá dầu giảm là cơ hội vàng cho các quốc gia nhập khẩu như Indonesia hay Ấn Độ, để cải tổ chương trình trợ giá nhiên liệu đắt đỏ đang áp dụng. Điều gì đang chờ đợi thị trường dầu mỏ thế giới? Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ năm tới của thế giới chỉ tăng 0,9 triệu thùng/ngày, đạt mức 93,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với dự báo trước đó khoảng 230 nghìn thùng. Các nhà đầu tư đang lo ngại nguồn cung sẽ dư thừa, nhất là trong bối cảnh các nước không thuộc OPEC sẽ tiếp tục tăng sản lượng khai thác. Trong khi đó, tốc độ tăng GDP của các nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu mỏ như Trung Quốc lại đang chậm lại. Xu thế chung là tất cả các nước đều đang phải đánh giá lại triển vọng kinh tế của mình theo nhịp chảy của dòng dầu thô. vnn
|