Nhiều người đồn thổi uống nước lạnh ngay sau bữa ăn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Họ cho rằng, việc uống nước lạnh góp phần làm đông cứng lớp dầu ăn trong cơ thể; khiến chúng phủ kín bề mặt đường tiêu hóa. Tuy nhiên, các nhà khoa học đến từ Mayo Clinic và Đại học Columbia khẳng định thông tin đó không đáng tin cậy.
Ngược lại, nước hoặc các dạng chất lỏng khác giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa thức ăn dạng đặc. Bạn cũng có thể lựa chọn súp, thực phẩm chứa lượng nước dồi dào như trái cây để ăn kèm sau bữa ăn.
Nếu muốn uống một ly nước lạnh sau bữa ăn, bạn có thể sử dụng nó một cách bình thường, như một cách cung cấp nước mỗi ngày.
Nhìn chung, mỗi ngày cơ thể cần cung cấp khoảng tám đến chín ly nước (tương đương với 2 lít). Tùy vào chế độ ăn chứa thực phẩm nhiều chất lỏng hay không mà nhu cầu về nước có thể giảm đi.
Bên cạnh đó, Dịch vụ Y tế của Đại học Columbia còn khẳng định uống nước lạnh còn giúp cơ thể giải nhiệt một cách dễ dàng.
Cụ thể, khi nhiệt độ cơ thể tăng hơn 98,6 độ F (tương đương 37 độ C), cơ thể sẽ đổ mồ hôi để cân bằng nhiệt độ bên trong. Lúc này, uống nước ở 41 độ F (tương đương 5 độ C) sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ mất nước. Trong trường hợp này, nếu không sẵn nước lạnh thì bạn có thể lựa chọn nước ấm thay vì không uống gì.
Theo kienthuc.net.vn