Bất bình đẳng trong xã hội càng tăng cao, tầng lớp người giàu càng có nhiều lợi thế để mở rộng khoảng cách với phần còn lại của xã hội.
Khi các nền kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới bùng nổ, chỉ có một số ít người lo lắng về việc top 1% những người giàu nhất là bộ phận được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Mỹ èo uột, nước Anh chìm trong rắc rối về tài khóa và eurozone vẫn “lay lắt” sống trong khủng hoảng và đặc biệt là nỗi xấu hổ của các cán bộ ngân hàng, lo lắng về sự bất bình đẳng không còn là điều xa xa vời.
Rõ ràng là bất bình đẳng đã trở thành một hiện tượng không thể chối cãi: ở Mỹ, số tài sản mà bộ phận 1% những người giàu nhất nắm giữ đã tăng gấp đôi so với thời kỳ đầu những năm 1970, lên 20% tổng tài sản trên toàn thế giới. Xu hướng tương tự đang diễn ra ở Australia, Canada và Anh – mặc dù tỷ lệ ở mức thấp hơn. Tuy nhiên, ở Pháp, Đức và Nhật Bản, xu hướng này không tồn tại, theo báo cáo của World Top Incomes Database.
Điều chúng ta cần quan tâm là nguyên nhân và hệ quả của xu hướng trên. Một số người có thể cho rằng giới nhà giàu giàu lên là nhờ vào hệ thống thuế lạc hậu hoặc gian lần. Một số lo lắng về hậu quả: bất bình đẳng có thể gây nên tình cảnh khổ cực và tâm trạng bất bình của phần lớn công chúng. Bất bình đẳng cũng có thể gây nên tình trạng nợ nần tăng cao và nền tài chính bất ổn.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, sẽ là không hợp thời khi cho rằng giới siêu giàu đã thực sự kiếm được tiền. Tuy nhiên, hãy nhìn vào nghiên cứu được thực hiện bởi Steven Kaplan và Joshua Rauh. Các giám đốc điều hành vẫn bị chỉ trích đã kiếm được nhiều tiền từ lỗ hổng trong quản trị doanh nghiệp ở các công ty đại chúng. Tuy nhiên, lãnh đạo các hãng luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, ông trùm quỹ đầu cơ cũng như các ngôi sao cũng làm được điều tương tự.
Có một sự thực không mấy dễ chịu ở đây: chính các lực đẩy trên thị trường (vốn là kết quả của các hợp đồng được thỏa thuận một cách tự do) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bất bình đẳng tăng cao. Toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ khiến những người có trình độ cao được trọng dụng. Ở mức độ thu nhập trung bình, kỹ năng tốt cùng với tâm lý sẵn sàng làm việc chăm chỉ đem đến mức thu nhập thỏa đáng. Tuy nhiên, quy luật này không còn đúng với tầng lớp có thu nhập cao. Các doanh nhân, ông chủ quỹ đầu cơ, tác gia hoặc vận động viên xuất sắc nhất hoặc may mắn nhất sẽ được lợi nhiều nhất.
Trong một thị trường chuẩn mực, người ta chỉ có thể có thu nhập cao nếu như họ tạo ra đủ giá trị kinh tế. Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta bị thuyết phục rằng điều này là đúng, vẫn có điều gì đó không ổn. Trong giai đoạn 1993 – 2011, ở Mỹ, thu nhập trung bình tăng với tốc độ khiêm tốn 13,1%. Tuy nhiên, thu nhập trung bình của 99% chỉ tăng 5,8%. Có thể nhìn vào sự chênh lệch để tính toán top 1% kiếm được bao nhiêu.
Có 2 lý do khiến bạn nên quan tâm đến tình trạng bất bình đẳng: kéo theo sau đó sẽ là nhiều hệ lụy và tạo thành một vòng luẩn quẩn. Xã hội càng trở nên bất bình đẳng, người giàu càng được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi và sau đó bất bình đẳng lại gia tăng.
Các nhà tài phiệt có thể định hình dư luận bằng cách trả tiền cho báo chí và truyền hình hoặc tài trợ cho các chiến dịch vận động chính trị. Con cháu của các gia đình giàu có được hưởng chế độ ăn uống, giáo dục, chăm sóc y tế và cơ hội việc làm tốt nhất. Ngược lại, người nghèo chứng kiến các trường học tốt nhất (thậm chí là cả các câu lạc bộ nghệ thuật và lớp học múa ballet) dần dần “biến mất” sau cánh cửa chi phí ngày một tăng cao.
Một xã hội được coi là tự do và hoàn toàn dựa vào cơ chế thị trường khi tất cả mọi người có thể phát huy hết tiềm năng. Nhìn từ góc độ này, thế giới đang “lầm đường lạc lối".
CafeF