Hàng loạt học sinh bình thường sau khi được chương trình "Mắt sáng học đường" kiểm tra mắt bỗng dưng bị...loạn thị. Điều đáng nói, đây là một dự án được triển khai rầm rộ tại các trường học và đã có hàng ngàn học sinh được kiểm tra thị lực bằng phương pháp "chẩn đoán từ xa" với những sai sót "chết người" mà PLVN đã thông tin. Sau khi báo phản ảnh, ngày 6/5/2013 Bệnh viện mắt Việt- Nga đã có văn bản số 124/MVN gửi Tổng biên tập báo giải trình vụ việc này. Trước đó, PLVN online cũng đã có buổi làm việc với ông Dương Chí Kiên - Tổng giám đốc bệnh viện mắt Việt Nga. Vậy "người trong cuộc" nói gì về những thông tin báo chí và phụ huynh phản ảnh.
Kết quả sai vì học sinh thiếu hợp tác?
Tại buổi làm việc với nhóm phóng viên, trước hết ông Dương Chí Kiên cung cấp nhiều hồ sơ, tài liệu để chứng minh dự án "Mắt sáng học đường" đã được triển khai rộng rãi và hiệu quả ở các trường phổ thông Nga với sự tham gia của ba nhân tố: gia đình, nhà trường và ngành y tế.
Tại Việt Nam, ngay từ ngày đầu thành lập, bệnh viện mắt Việt- Nga đã đề xuất với đối tác Nga xem xét giúp đỡ để giải quyết đấu tranh với "cận thị học đường". Đáp ứng đề nghị này tháng 10/2010 phía đối tác Nga đã trao tặng bệnh viện mắt Việt- Nga chương trình " khám kiểm tra thị lực từ xa", thuộc bản quyền sáng tạo của Viện MNTK vi phẫu mắt Fyodorov" chi nhánh Novossibir. Tới tháng 6/2012, chương trình này được dịch ra tiếng Việt, hoàn thiện quy trình để áp dụng tại Việt Nam.
Tháng 10/2012 dự án "Mắt sáng học đường" được triển khai tại trường PTTH Chu Văn An sau đó triển khai sang các trường tiểu học khác trên địa bàn thủ đô, chủ yếu là các trường nội thành ở các quận trung tâm.
Ông Kiên khẳng định "chương trình kiểm tra thị lực từ xa" cho kết quả rất nhanh chóng và chính xác còn những trường hợp học sinh bị chẩn đoán loạn thị trong khi mắt bình thường như PLVN phản ảnh theo ông Kiên đó chỉ là số ít ???
Ông Kiên lý giải :"Đây là phương pháp trả lời trắc nghiệm, nếu các cháu cố tình không trả lời, hoặc trả lời sai. Hoặc có thể là trong quá trình khám bệnh mạng internet bị lỗi nên thông tin truyền đi không được chính xác, hoặc có thể do những nhân viên giám sát thiếu trách nhiệm trong lúc khám bệnh nên dẫn đến tình trạng trên”
 |
Ông Dương Chí Kiên, TGĐ bệnh viện mắt Việt - Nga |
Khám thị lực nhưng không phải xin phép ngành y tế?
Đúng như ông Kiên lý giải, phương pháp chẩn đoán thị lực từ xa, thực chất giống như cho học sinh chơi...game trên máy tính.
Không rõ phương pháp này tin cậy đến đâu bởi thực tế ở Việt Nam chưa có bất kỳ đơn vị nhãn khoa nào áp dụng và nó cũng không phổ biến trên toàn thế giới. Điều đáng giật mình là theo như chia sẻ của người đứng đầu bệnh viện mắt Việt- Nga thì vì phương pháp này là phần mềm chứ không phải một quá trình "tác nghiệp y học" nên thực tế khi đưa vào áp dụng ở Việt Nam đơn vị này đã không cần phải xin phép ngành y tế.
Còn ngành giáo dục thì cũng "vô can" để mặc các trường và bệnh viện tự liên kết triển khai. Thậm chí, theo tiết lộ của ông Kiên thì buổi phát động chương trình "Mắt sáng học đường" tại trường Chu Văn An, đã có đông đảo quan chức của ngành giáo dục và ngành y tế tham dự, cổ vũ, động viên.
Nếu đúng như những gì ông Kiên chia sẻ thì rõ ràng đã có sự "lập lờ" rất đáng ngại ở đây. Bệnh viện một mực khẳng định phương pháp chẩn đoán thị lực từ xa chỉ là một cách khám thị lực "kiểu mới" rồi đưa ra khuyến cáo để cha mẹ học sinh lưu tâm bảo vệ mắt cho con. Song, thực tế đối với cha mẹ học sinh cũng như thầy cô giáo tại các trường triển khai chương trình thì đây là một chương trình khám bệnh về mắt cho trẻ. Trong phiếu báo thông báo kết quả mà bệnh viện gửi về cho cha mẹ học sinh cũng ghi rất rõ đây là kết quả "khám chẩn đoán thị lực" và ghi rõ thị lực của người được khám:10/10, 5/10 hoặc 7/10, tình trạng khúc xạ ( loạn thị hay không loạn thị), bệnh lý hoàng điểm ( có biểu hiện hay chưa có biểu hiện).
Với thông báo này, khó lòng để nghĩ phương pháp mà ông Kiên nói không phải là một "quá trình tác nghiệp y học"và việc ngành y tế bỏ qua, không thẩm định, xem xét phương pháp này rõ ràng là một sự tắc trách bởi hệ quả đã có thể xảy ra khi nhiều trẻ có đôi mắt bình thường bỗng dưng vì kết quả chẩn đoán này mà có nguy cơ loạn thị, cận thị.
Vì cộng đồng hay chỉ là chiêu "câu khách"?
Trong suốt buổi làm việc với nhóm phóng viên cũng như trong văn bản gửi báo PLVN, ông Dương Chí Kiên đều khẳng định dự án "Mắt sáng học đường" bệnh viện mắt Việt- Nga thực hiện vì cộng đồng, mong muốn chống lại "cận thị học đường" và không đặt vấn đề lợi nhuận cũng như thông qua chương trình này để tăng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện mắt Việt- Nga.
 |
Văn bản bệnh viện mắt Việt- Nga giải trình tới báo PLVN |
Minh chứng cho điều này ông Kiên đã đưa ra số lượng các ấn phẩm, tờ rơi truyên truyền, hướng dẫn các phương pháp chăm sóc, tự bảo vệ mắt mà bệnh viện đã phát miễn phí cho học sinh các trường. ông Kiên cũng cho hay “mỗi ngày chúng tôi chỉ đủ điều kiện điều trị cho 30 bệnh nhân nên không khuyến khích các em học sinh điều trị tại bệnh viện chúng tôi”. Theo ông Kiên thì bệnh viện khuyến khích cha mẹ chăm sóc mắt cho con trong các sinh hoạt hàng ngày và các trường học nên có phòng khám, chữa trị các tật về mắt cho học sinh tại trường.
Nói vậy nhưng không hẳn vậy bởi nói vì cộng đồng nhưng chương trình "Mắt sáng học đường" không được triển khai ở các vùng ngoại thành hay nông thôn mà chỉ tập trung ở các quận nội thành. Trong tất cả các phiếu thông báo kết quả bệnh viện mắt Việt- Nga gửi cho cha mẹ học sinh đều đưa ra phương hướng: đưa cháu tới khám chuyên sâu tại các cơ sở của Bệnh viện mắt Việt- Nga để được các chuyên gia nhãn nhi Nga khám chẩn đoán và tư vấn.
Phía dưới thông báo này còn ghi: các cháu sẽ được hỗ trợ 50% chi phí khám và tư vấn chuyên sâu của bác sỹ chuyên gia Nga, 58% chi phí các khóa điều trị cận thị, 30% chi phí thay mắt kính trong vòng 06 tháng sau khi mua kính, được kiểm soát miễn phí tình trạng thị lực trong suốt tuổi học đường. "Quý vị hãy đăng ký qua phòng y tế nhà trường để được hưởng các ưu đãi nói trên", thông báo nhấn mạnh.
Cần nói thêm rằng chi phí tại bệnh viện mắt Việt- Nga khá đắt đỏ so với mặt bằng chung.
Để làm rõ những nghi vấn dư luận và nhất là phụ huynh học sinh đang đặt ra về chương trình này, đề nghị ngành y tế và cả ngành giáo dục cần kiểm tra, làm rõ.
PLVN Online sẽ tiếp tục thông tin!
Anh Phương -Thái Sơn