Miền Tây Nam bộ mà cái nôi là vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, là giang sơn của những loài sản vật hoang dã trên rừng dưới nước như bông Sen, bông Súng, tôm, ốc, rùa, rắn.... Tìm hiểu cách ăn, cách nấu những món ăn đặc sản của người gốc miền Tây là một trong những nét văn hoá đặc sắc ở Đồng Tháp Mười
Ốc treo giàn bếp
Ốc treo giàn bếp đặc biệt nhất là ốc lác. Hiện nay nhiều hộ ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò có phong trào mua ốc lác về nuôi bằng cách dùi những con ốc lác xuống lớp đất mỏng (còn gọi là ốc dùi), sau 3-4 tháng cho thu hoạch, giá cao gấp đôi ốc thường. Ốc lác treo giàn bếp thường lựa loại to, khi cần sử dụng con nào cũng mím miệng cạy khó ra, mình ốc có màu xám như đang thiếu nước. Chuẩn bị cho một buổi tiệc, sau khi rửa sạch hết bụi bặm, ta sắp ốc vào một nắp khạp có chứa sẵn nước quậy trứng gà cho ốc uống; những con ốc nghe có nước bắt đầu cục cựa, há miệng, quơ râu uống nước.
Ốc treo giàn bếp
Khoảng 20 phút khi ốc đã uống hết nước, ta bắt từng con vạt đít, cho vào nồi có sẵn một lớp sả, chút muối và đổ thêm ít nước, đun chừng mười phút thì sôi, các con ốc đã há miệng. Bưng nồi ốc đảo đi đảo lại vài lần cho đều rồi đặt lại bếp độ vài phút là ốc chín.Thưởng thức món ốc lác treo giàn bếp phải từ từ, thịt ốc vừa mềm vừa mập, vừa ngọt, vừa cay của vị ớt lại thơm nồng của sả, thật không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó.
Cá lóc nướng trui
Cá lóc rửa sạch, lựa con chừng 1 kg là vừa, thịt cá vừa ngọt, thơm, lại dễ nướng. Xiên một thanh trúc hoặc thanh tre tươi vót sẵn từ miệng cá cho đến đuôi. Nhiều khi nguời ta còn dùng dao chặt bỏ phần đuôi cá vì như vậy thì khi nướng chín phần bụng và xương cá sẽ không bị ứ máu, thịt cá sẽ không tanh khi để nguội. Sau đó cắm những thanh tre đã xiên cá xuống đất và phủ rơm khô lên, người nướng cá “có nghề” phải lượng sao cho rơm vừa đủ để khi rơm vửa tàn thì cá cũng vừa chín. Rơm dư thì cá khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu thì cá lại nhão, tanh v.v.
Cá lóc nướng trui
Cá chín, đặt nguyên con lên tàu lá chuối, cạo bớt lớp vảy cá bị cháy, xẻ lằn dài theo bụng cá, mở ra làm đôi là ăn được. Lấy miếng cá còn bốc khói cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm vào nước mắm hoặc mắm nêm, bạn sẽ thấy thật sướng miệng khi mùi thơm, vị ngọt béo của cá hoà lẫn với các hương vị của khế chua, chuối chát, ăn hoài không ngấy.
Chuột đồng Đồng Tháp
Một trong những món ăn đặc sắc nhất của vùng đất này là món thịt chuột. Món ăn này đã thân thuộc đến mức đi vào câu ca dân gian “Có chuột nào ngon bằng chuột Cao Lãnh/ Có gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Hiện nay, thịt chuột ở Cao Lãnh, Đồng Tháp vẫn được giới sành ăn đánh giá là một trong những đặc sản được xếp vào hàng “độc chiêu” của miền Tây. Đặc biệt là các món thịt chuột quay lu, chuột nướng, chuột hấp cơm...
Thịt chuột Đồng Tháp
Món chuột này ăn rất béo, thịt thơm ngon không kém gì thịt nai rừng nên người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê” . Món này dùng kèm với muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo mới đúng điệu
Rắn Đồng Tháp
Dồi rắn chắc chắn là món đặc biệt vì “không phải ai muốn ăn cũng được”. Đặc biệt, bởi chỉ mùa nước nổi mới có, bởi hương vị lạ lùng không bất kỳ món ăn nào. Cùng với chuột, cá, rắn ở Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi nhiều vô kể. Nào là rắn hổ, rắn ri voi, rắn hổ hành đến rắn bông súng, rắn nước,... nhưng để làm món dồi rắn người dân thường chọn rắn bông súng và rắn nước để chế biến.
Rắn Đồng Tháp
Thịt rắn chưa chế biến
Rắn bắt về, thui hoặc trụng nước nóng cho tróc vảy, rút ruột, rửa sạch bụng để ráo nước, rồi lột da. Thịt rắn bằm nhuyễn, nêm chút gia vị, tiêu, bột ngọt. Phần nguyên liệu này sau đó được dùng để dồn vào phần da rắn cho đến khi căng tròn, rồi dùng dây buộc kín hai đầu hoặc có thể phân thành từng đoạn.
Nem Lai Vung
Nhắc đến huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), người ta thường nhắc đến món đặc sản đi kèm với tên gọi của địa phương nổi tiếng rất lâu đời đó là nem Lai Vung. Nghề làm nem nơi đâu cũng có và cũng với công thức ấy, từng ấy nguyên liệu nhưng cách làm nem chua của người dân nơi đây lại tạo ra hương vị đặc trưng, không nơi nào có được...
Nghề làm nem cũng lắm công phu, làm ra một chiếc nem phải trải qua rất nhiều công đoạn. Thịt làm nem là thịt heo đưa vào cối đá quết nhuyễn, da heo được lạng nhỏ thành từng miếng. Trộn lẫn các thứ thịt, bì, tiêu, ớt, lót kèm lá vông xong nguời ta gói lại bằng lá chuối tươi để từ 3 đến 4 ngày cho lên men ở nhiệt độ khoảng 27-300C. Nem làm ngon và đúng cách phải đủ 8 phần thịt, 2 phần bì, thịt lợn phải tươi, gia vị phải cân đối, gói thật đều tay. Vì vậy mà ở Lai Vung có câu vè : "Từng gói, từng gói nếu ai không giỏi thì gói không đều, từng lá nhỏ tươi bao tròn viên thịt, để lá ít thì nem lâu chua, để thịt vừa vừa thì nem lâu chín..."
Cơm gói lá sen
Cơm nấu bằng gạo huyết rồng với hột sen hấp chín và muối mè, gói trong chiếc lá sen, có thể dùng cho 2 tới 4 người ăn. Ấn mũi dao rạch ba đường vuông góc, vén tấm lá sen lên, sẽ thấy muối mè và hạt sen nổi bật cái màu trắng trên nền cơm đỏ sậm. Cơm ngon, càng nhai càng có vị ngọt và bùi, lại càng bùi béo nhờ tinh chất hột sen và mè tan hòa trong nước bọt.
Cơm gói lá sen
Mùi thơm từ sen khiến cơm có hương vị rất riêng
Cơm rang nóng cùng một chút thịt, lạp xường, hạt sen, trứng... được gói vào lá sen khi mới trút từ chảo xuống. Hương thơm của cơm rang hòa trộn cùng hương sen phảng phất khiến miếng ăn trở thành kỷ niệm khó quên. Và thực khách có thể cảm nhận cả mùa thu qua hương thơm của tấm lá sen già, sợi rơm nếp và từng hơi thơm ngạt ngào của món ăn hết sức tuyệt vời này.
Nguyễn Nhung (Tổng hợp)