Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Nguyễn Thị Gái, 86 tuổi, trú tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội, vẫn phải bươn chải kiếm sống. Tưởng cụ độc thân, ai dè, cụ là mẹ của 8 người con…
Chua chát kể về 3 đứa con trai...
Hẹn 8h nhưng chưa tới 7h, cụ Nguyễn Thị Gái đã có mặt ở Nhà tạm lánh, thuộc Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Gia Lâm. Cụ Gái được tiếng là con cháu đề huề với 8 người con (4 con trai; người con trai trưởng đã qua đời và 4 con gái).
Cụ nói, nóng lòng được tư vấn, trợ giúp nên đêm trước, cụ không thể chợp mắt. "Bước sang tuổi 70, chân tôi đi không còn vững nhưng vẫn phải lao động kiếm sống. Tủi cực, tôi cắn răng chịu đựng, nhưng khi anh Nguyễn Văn T, SN 1957, con trai thứ 2, đánh tôi trước mặt hàng xóm và 4 anh thợ xây thì tôi không thể chịu đựng thêm nữa" - cụ Gái cất giọng rầu rĩ.
Như lời người mẹ già, nguồn cơn bắt đầu từ việc con anh T, vay cụ 1 triệu đồng. Chẳng đào đâu ra tiền, cụ không đưa được tiền cho cháu nên bố con anh T giận cụ lắm. Trưa hôm sau, anh T sang nhà chơi và oán trách mẹ không làm tròn bổn phận, không lo nổi cho con mảnh chăn ấm mùa đông. Cụ Gái rớt nước mắt, cố giải thích vì đận khốn khó mà cả xã hội từng trải qua. Không hiểu lòng mẹ, anh T còn hậm hực, trút giận lên chiếc giường của cụ Gái. Anh còn lôi giát giường của mẹ ra sân đập gãy. Cụ Gái không tiếc chiếc giường, cụ xót xa vì con trai chà đạp lên tình mẫu tử. Anh con trai thứ 3 (Nguyễn Văn Th) thấy ầm ĩ, chạy ra. Cụ Gái nói, anh Th không can ngăn mà còn hô: "Đập hết, phá sạch, đốt sạch". Vì thế, anh T được thể lôi chăn, ga, màn và những đồ đạc khác của mẹ văng ra sân dày xéo. Vợ chồng con trai út (anh L) cũng dửng dưng khoanh tay đứng nhìn. Uất ức, cụ Gái lớn tiếng. Nhưng cụ chẳng thể nói tới câu thứ hai thì anh T đã túm cổ tay và gí điện thoại vào miệng thách cụ gọi cho người con dâu trưởng. Cụ Gái vớ chiếc dép đang đi, quờ cái chổi quét nhà để đánh vào tay cầm điện thoại của anh T nhưng sức già, cụ bị ngã, tay rớm máu. Cũng từ ngày ấy, cụ Gái phải trải tấm chăn bông xuống nền đất làm chỗ ngả lưng. Trong cái giá rét của mùa đông, người mẹ già thêm héo hon vì hơi lạnh từ đất.
Hai người con trai còn lại cũng khiến cụ Gái lắm phen cay đắng. Tình cảm giữa cụ và anh L sứt mẻ chỉ vì cái chậu. Cụ kể, bận ấy, cúng lễ xong, anh L hóa vàng vào chiếc chậu giặt quần áo của cụ Gái. Nhìn chiếc chậu nhôm đen nhẻm, cụ Gái rầu lòng. Cụ hỏi con, sao không lấy thau nhà mình mà hóa. Anh L lôi 2 chiếc chậu và cái nồi cơm điện của cụ Gái ra đập nốt. Chẳng thể dạy được con, cụ Gái còn bị anh L “đe” nên chỉ còn nước lặng thinh. Còn anh Th là người kín tiếng nhất, nhưng anh này cũng về hùa với anh em, ngược đãi mẹ. Các nhân chứng trong nội tộc xác nhận, anh con trai thứ 3 thường xuyên có lời lẽ không phải đạo với mẹ già. "Được cái, anh Th không bao giờ đánh đập nhưng chuyện chửi bới, coi thường mẹ lại "giỏi" nhất" - cụ Gái chua chát nói.
Cụ Gái xót xa chuyện đời mình. Ảnh: Hoa Đỗ
Các con gái: Đành để mẹ chịu khổ một mình
Con trai ngược đãi đã đành, 4 cô con gái biết chuyện cũng chỉ im lặng càng đẩy mẹ già vào bước đường cùng. Được hỏi, chị Nguyễn Thị L, con gái cụ Gái, cho hay, cụ Gái giấu chuyện: mọi sự chị chỉ nghe lại từ hàng xóm. Vì anh T từng đánh tiếng, "đánh gãy chân hay gãy tay" nếu em gái nào về hùa với mẹ nên chị không dám can thiệp. "Ngày hôm sau em có sang thăm mẹ và nhìn thấy đống giường chiếu, mùng mền đồ đạc đổ vỡ ngoài sân. Em xót xa lắm nhưng biết làm gì hơn được. Chẳng may bị anh đánh què chân, gãy tay thì khổ. Thôi thì đành khóc thương mẹ nước mắt để đấy, mẹ cũng biết và hiểu cho em. Đành để mẹ chịu khổ một mình chứ có nói cũng chỉ được câu "con gái nát nhà" thôi" - chị L chia sẻ.
Một lần nữa, người con gái này khẳng định, mẹ mình là người tần tảo thương con; cụ Gái ngược xuôi Hà Giang, Tuyên Quang - Hà Nội để kiếm sắn khô nuôi 8 đứa con khôn lớn. Trong khi những đứa con không làm gì được cho mẹ thì những người hàng xóm tỏ ra thấm xót. Họ đã chia sẻ với PV và quả quyết, anh T là đứa con không phải đạo. "Ngày anh T gây gổ, đập phá, hành hung bà cụ, tôi và nhiều bà con chòm xóm khác đứng ngoài cửa ngõ can ngăn nhưng anh T không nghe" - một người hàng xóm cho hay.
Ông Nguyễn Văn Chuẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Lệ Chi cho hay, có nhận được lá đơn kêu cứu của cụ Gái và có việc anh Nguyễn Văn T đối xử không tốt với mẹ. UBND xã đã làm việc với lãnh đạo thôn và xác nhận, cụ Gái có nhiều con nhưng quá trình chung sống nhiều mâu thuẫn.
Tổ hòa giải thôn và CA xã Lệ Chi đã mời anh T đến hòa giải nhưng không thành do anh T không hợp tác. "Chúng tôi sẽ sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc trên để cụ Gái sớm ổn định cuộc sống, an hưởng tuổi già ở quê hương" - ông Chuẩn quả quyết.
Tình mẹ những ngày xưa…
Ngày còn bao cấp, tôi đã lăn lộn khắp nơi kiếm tiền nuôi con, không mong chúng báo hiếu. Nhớ lại ngày thằng T còn bé, nó hay ốm vặt; nhiều lúc tưởng không giữ nổi mạng sống. Không ít lần, tôi phải bán vội gánh hàng chỉ để chạy về xem con thế nào, chăm bẵm cho nó.
Ngày nhỏ, 4 anh em nó đều rất ngoan và học khá. Người làng vẫn khen: "Bà Gái lam lũ, tất bật từ sớm tới tối mà vẫn khéo dạy con", tôi nghe vậy mà vui như mở cờ trong bụng. Cho tới ngày các con trưởng thành, yên bề gia thất, tôi những tưởng hoàn thành trách nhiệm đời mình, được các con báo hiếu. Vậy mà gần rời cõi vẫn chưa được an nhàn còn chịu nhiều cay đắng, có nỗi đau không thốt lên lời.
86 tuổi, không lương hưu, không được các con phụng dưỡng, mỗi tháng, tôi trông chờ vào 350 nghìn đồng tiền trợ cấp của Nhà nước. Chỉ mong trời thương, ban cho sức khỏe là đủ rồi. Chân còn đi được, hàng ngày, tôi vẫn nhặt nhạnh, mót củ khoai, hạt thóc phụ thêm cuộc sống. Đã có lúc tôi tính xin UBND xã Lệ Chi giúp đỡ cho tôi vào Trung tâm dưỡng lão để sống nốt quãng đời còn lại. Kể ra thì lắm đau xót, tôi định từ cả 3 thằng con trai bất hiếu. Nhưng gặp bác sỹ Nguyễn Văn Quyết, phụ trách "Nhà tạm lánh" thì tôi suy nghĩ lại. Bác sỹ động viên, khuyên giải nên tôi tạm nguôi ngoai, tôi vẫn cho các con một cơ hội và chờ chúng thay đổi dẫu rằng, ngày tôi còn sống cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết cho hay, chuyện của cụ Gái là một ví dụ điển hình về việc con cái ngược đãi mẹ. Đây là hành vi nghiêm trọng, đáng lên án vì xâm hại cả thể chất và tinh thần. Trớ trêu ở chỗ, cụ Gái rất đông con nhưng chẳng thể sống dựa vào ai. Ba anh con trai thì không thể tin tưởng nhưng 4 cô con gái cũng chẳng làm gì cho mẹ. Trường hợp của cụ Gái cũng tương tự một nạn nhân 71 tuổi khác ở huyện Gia Lâm. Cụ này có 6 người con (3 trai, 3 gái) và bị các con trai đánh đuổi. Những người con gái giúp mẹ nhiều nhất cũng chỉ bằng cách "vẽ" đường cho cụ tới "Nhà tạm lánh".
Luật sư Phạm Đắc Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói, nếu con cái chửi bới, đánh đập, không phụng dưỡng mẹ là hành vi ngược đãi cha mẹ. Điều 11 Nghị định 87/2001/NĐ-CP ngày 21-11-2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình quy định: "Phạt tiền từ 200 đến 500 nghìn đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình, các thành viên khác trong gia đình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng". Khi người có hành vi ngược đãi cha, mẹ đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi cha, mẹ mình thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 151 BLHS (tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình"). Tội này nêu rõ: "Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm". Như vậy, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi thì những người con bất hiếu sẽ bị xử lý tương ứng.
|
Hoa Đỗ