Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỳ tích hào hùng của một thời khói lửa vẫn còn vọng mãi. Kỳ tích được tạo nên bởi những người con Cơtu một đời gắn bó với đại ngàn Trường Sơn...
Giết giặc bằng ná và chông tẩm kịch độc Chpơơr
Không khó để tìm đến nhà già làng Clâu Nâm, bởi tên ông đã trở thành huyền thoại nơi đại ngàn. Thôn Pr’ning (xã Lăng - Tây Giang - Quảng Nam) nằm trên một ngọn đồi đầy nắng và gió. Chúng tôi đến nhà, gặp lúc ông đang “huấn luyện” cho thanh niên trong làng bắn ná chuẩn bị cho Lễ hội VH-TT các huyện miền núi Quảng Nam. Cũng với cái ná, cái chông ấy, năm xưa ông đã lập nên bao kỳ tích.
Clâu Nâm sinh năm 1930 tại làng Pr’ning, xã Rguh (nay là xã Lăng) trong một gia đình Cơtu nghèo khó. 16 tuổi đã đi làm cách mạng, 30 tuổi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với hơn 100 trận đánh, tiêu diệt và bắt sống trên 50 tên, thu rất nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của giặc, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 28/5/2010.
Bríu Brăm - nguyên Bí thư huyện Tây Giang - nói: “Clâu Nâm và Alăng Bảy được nhân dân và đồng đội mến mộ gọi là Anh hùng Cơtu. Thời đó trên vùng biên giới Việt-Lào chiến tranh ác liệt lắm nhưng nơi nào có Bảy, có Nâm thì nơi đó nhân dân yên tâm, tin tưởng. Chiến trường nào có Bảy, có Nâm hầu như là chiến thắng.
Tham gia hàng 100 trận đánh nhưng ấn tượng nhất đối với người Anh hùng Clâu Nâm là trận đánh “không tiếng súng” đầu tiên trong đời chinh chiến. Ông kể, ngày 12/1960, địch hành quân từ bến Hiên lên đồn Kà Xah. Nhận được chỉ thị của tỉnh uỷ Quảng Đà, Bhơnướch Ríp làm chỉ huy trưởng, Clâu Nâm làm chỉ huy phó trực tiếp chỉ huy tiểu đội 9 người. Nắm được lịch trình hành quân của 1 tiểu đoàn địch, ông cùng 9 đồng đội trong 7 ngày bí mật chế tác vũ khí tự tạo như võng đá, hố chông, bẫy thò… có tẩm kịch độc chpơơr (loại chất độc bí truyền của người Cơtu) rồi sắp đặt trên đoạn đường hiểm trở mà biết chắc địch sẽ đi qua.
Đúng 8 giờ sáng ngày 21/12/1960 địch lọt thỏm vào vòng vây trận địa. Từ nơi mai phục, Clâu Nâm dùng ná (có mũi tên tâm thuốc độc) hạ gục ngay tên cầm đầu và phát lệnh tấn công. Trên thiên la, dưới địa võng bất ngờ phủ xuống, giặc mất phương hướng, rối loạn đội hình, trở tay không kịp nên bị thương vong rất nhiều.
Trận đó ta tiêu diệt được 39 tên, làm bị thương 6 tên, thu được 1 cây súng cacbin, 40 quả lựu đạn, 30 ang gạo, 30 cái chăn, số thất trận còn lại băng rừng, chạy bán sống bán chết.
Kể lại trận đánh “không tiếng súng” năm xưa, khí phách một thời lại tràn về hừng hực trong huyết quản người lính già. Ở cái tuổi 72, già Nâm cười hà hà: “Mình đánh giặc đôi lúc có dùng súng mô! Cái bẫy, cái ná là vũ khí truyền thống của người Cơtu mình, rừng núi là của mình, thằng Mỹ làm răng đánh thắng mình được....”.
Trèo lên ngọn cây chờ bắn rơi máy bay Mỹ
Được người anh hùng Clâu Nâm giới thiệu, chúng tôi tìm về thôn văn hoá Bôhhồng, xã Sông Kôn (Đông Giang) gặp già làng Alăng Bảy - 5 lần bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường.
Buổi chiều vùng cao sau cơn mưa rừng xối xả, trong căn nhà nhỏ bên dòng sông Kôn, già làng Alăng Bảy kể lại những trận đánh hào hùng bằng cái giọng hào sảng và đôi mắt rực sáng.
Anh hùng Alăng Bảy có thể sử dụng thanh thạo 5 loại nhạc cụ truyền thống của người Cơtu
Anh hùng giữa đời thường.
Alăng Bảy cũng sinh năm 1930 tại xã Atiêng, huyện Hiên, Quảng Nam. Năm 1958 ông theo cách mạng. Từ đó, dấu chân cùng những chiến công của ông rải khắp đại ngàn Trường Sơn. Đến ngày đất nước được thống nhất, ông trở về với quân hàm Đại uý và một bề dày thành tích đáng khâm phục: 3 năm liền chiến sĩ thi đua, 2 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; được Đảng - Nhà nước khen tặng 5 Huân chương chiến công, 3 Huân chương chiến sĩ vẻ vang, 2 Huân chương chiến sĩ diệt Mỹ, 2 Huân chương chiến thắng và quyết thắng hạng nhất và nhiều Bằng khen và giấy khen các loại. Ông đã bắn hạ 5 máy bay Mỹ.
Năm 1962, tại đồi Ahu, xã Atiêng (Tây Giang), Alăng Bảy cùng 2 đồng đội leo lên cây mai phục và chính tay ông đã bắn hạ chiếc máy bay trinh sát HU 1A của Mỹ.
Cuối tháng 5/1968, Bảy cùng 4 du kích địa phương phục kích trên một ngọn núi (thôn Za rươt, xã Atiêng). Alăng Bảy đích thân trèo lên ngọn cây chò phục kích. Bất ngờ 1 chiếc trực thăng chở bọn biệt kích nhằm hướng Bảy ẩn nấu trên ngọn cây nhào đến. Alăng Bảy nổ liền 3 phát súng, chiếc máy bay bị thương chao đảo không bay được bắt buộc phải hạ. Bảy cùng đồng đội ập đến tiêu diệt 5 tên, thu 4 khẩu súng và “bắt sống” cả chiếc máy bay. Còn một tên thoát thân chạy qua xã Lăng cũng bị mắc bẫy.
Đáng nhớ nhất là tháng 8/1963, tại sân bay dã chiến trên đồn Aró (xã Lăng), Alăng Bảy cùng Bnướch Tâm chỉ huy tiểu đội 10 người, 3 giờ sáng bí mật lẻn vào sân bay phục kích đợi thời cơ. Đến 4 giờ sáng, trời vừa rạng sáng, Bảy ra lệnh nổ súng diệt được 43 tên và bắn cháy 2 máy bay trực thăng Mỹ. Sau đó bị địch phát hiện bao vây phải mở đường máy thoát thân, đến hơn 7 giờ đội quân của Alăng Bảy mới trở về đơn vị an toàn, chỉ duy nhất đồng chí Alăng Cưa bị thương.
Già Alăng Bảy nhớ lại: “Bị bao vây mà mình chỉ có 10 người, Bảy phải đánh lạc hướng địch. Mình vừa chạy vừa hét to “Tiểu đội 1 bên phải, tiểu đội 2 bên trái, tất cả còn lại xông thẳng lên”. Bảy nổ súng chạy trước dẫn đường, men theo vách đá, lẩn vào rừng… Địch sợ bị chông và bẫy thò có thuốc độc lắm, nên không dám đuổi theo”.
Từ đó cái tên Alăng Bảy được người già vùng cao nhắc tới như một vị anh hùng của đại ngàn Trường Sơn.
Chiến tranh kết thúc, những người như Clâu Nâm, Alăng Bảy lại trở về với cuộc sống đời thường, góp công xây dựng bản làng. Anh hùng Clâu Nâm nay được gọi là “Già làng an ninh”. Ngày 31/5 vừa qua, ông được nhận giấy khen của huyện Tây Giang về “thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm và ma tuý”. Còn người hùng Alăng Bảy được gọi là “Già làng văn hoá” vì ông sử dụng thành thạo 5 loại nhạc cụ dân tộc Cơtu; đồng thời góp phần rất lớn trong việc xây dựng thôn văn hoá Bhơ Hôồng.
Đông Phước
theo dantri