Chửi mãi quen tai TP - Rác ngôn ngữ xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống giới trẻ. Thấy bạn, thay vì chào hỏi, nhiều teen văng cụm từ thô lỗ như quát. Nhìn người lạ không ưng mắt, không ít bạn trẻ bình luận tục tĩu…
Nhiều teen cho rằng, cư xử lệch chuẩn nhiều lúc để thể hiện đẳng cấp, hoặc hòa nhập bạn bè. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Xả rác nơi cổng trường
Một lần tôi dừng đèn đỏ tại ngã tư Núi Trúc - Kim Mã (Hà Nội) bỗng có tiếng phanh kít phía sau và “vụt”, 2 cô gái trẻ mặc áo đồng phục phổ thông đi trên chiếc Liberty quệt qua. Chỉ chút nữa họ đã gây tai nạn. Nhưng họ không xin lỗi lại trợn mắt lên chửi tôi: “Đ.c.m mày”.
Một lần khác, tôi đi cùng người bạn đón đứa em học Trường THPT Đ.T.H (Ba Đình, Hà Nội). Tan học, từng tốp học sinh ríu rít bước ra khỏi cổng trường. Đứng cạnh nhóm gần chục nữ sinh đang trò chuyện, tình cờ nghe các em nói khiến tôi nổi da gà.
Một em tóc ngắn, nhỏ nhắn góp vui câu chuyện: “Đ.m chứ, mẹ thằng T.A ghê gớm kinh khủng. Lần trước tao gọi điện đến nhà nó, mẹ nó gặng hỏi: cháu là ai, tên gì, ở đâu… Mẹ nó cứ tưởng quản chặt là nó ngoan ngoãn không bằng ý. Đ.m khiếp sợ bà ý, từ giờ đ. dám gọi đến nhà nó nữa”.
Thấy bạn bè chở nhau về bằng xe máy, một cô gái tóc búi cao, nước da trắng hồng lên tiếng: “Lần trước, tao đi chơi cùng một thằng. Đ.m nhà nó chứ, tao chưa kịp lên nó đã phóng xe đi. Làm tao phải gọi lại”. Lúc cả nhóm thấy một cô bạn chạy ra liền thét lên: “Cái con mặt... này, mày làm cái c. gì mà để tụi bà chờ gãy chân?”.
Lần khác mục sở thị cổng Trường THPT N.B.K (Cầu Giấy, Hà Nội) giờ tan học trưa, tôi không khỏi sững sờ khi thấy một nam sinh ra dáng công tử đang đứng nói chuyện với bạn: “Mày định thi vào FPT à, học trường đó cũng chẳng sung sướng gì đâu, phọt c. ra ý chứ”. Tôi thốt lên khe khẽ, bác bán trà đá gần đó xua tay: “Chuyện thường ngày, lúc nào bọn nó chẳng văng được”.
Tan học, từng tốp học sinh rồng rắn nối đuôi nhau về. Mấy cậu học sinh bước ra muộn, trông rất trí thức với kính cận, headphone, nhưng trước lúc về, không quên
tặng nhau mấy câu nói quen thuộc: “Đ.c.m mày, về nhé”.
Quen miệng
Khi được hỏi vì sao lại nhiều teen nói tục, chửi bậy mà không ngượng, M.T, học sinh một trường THPT ở huyện Từ Liêm, Hà Nội, vặn lại: “Không văng mới lạ bà chị ạ! Đó là thói quen rồi, khó bỏ lắm”.
Minh Phương, SV Học viện Báo chí & Tuyên truyền, nói: “Mỗi khi thấy bạn nói tục thì mình phải khuyên bảo bạn ngay. Bảo bạn như thế là không đúng, là khiến người khác nghĩ mình vô học hay thiếu văn hóa ứng xử. Không nên a dua theo bạn, chính vì a dua theo mà tình trạng này càng ngày càng lan tràn nhiều hơn”.
|
M.T dẫn chứng các tình huống. Ra đường, nhiều teen thấy người khác trông ngứa mắt là chửi; thấy người nào đó ăn mặc hay đầu tóc kì quái là
tặng luôn mấy câu: “Đ.m con kia hãm thế”. Thấy đôi tình nhân thân thiết với nhau là
văng: “Đ.m đôi kia ngứa mắt tao quá”. Thấy bạn nào tỏ ý không hoà nhập cùng nhóm, liền
phang: “Tổ sư thằng này, không chơi mà cũng tinh tướng vãi c.”.
M.T cho biết, văng tục được nhiều teen sử dụng trong đối thoại hằng ngày. Bạn chậm hiểu, “Đ.c.m mày, sao ngu thế”; bạn làm chậm, “Đ.m mày không biết làm à?”. Ngay cả lúc nói chuyện với chúng tôi, M.T cũng thường xuyên
têm câu tục, từ bẩn.
Nhiều bạn trẻ chia sẻ, khó chịu nhất là khi trò chuyện ở những nơi có sự xuất hiện của bố mẹ, thầy cô hoặc người thân lớn tuổi trong gia đình, vì lúc đó phải giữ kẽ.
V.B (học sinh một trường THCS ở quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Học sinh ngày nay nói tục để chứng tỏ mình sành điệu. Đi cùng bạn bè, thấy nó văng tục bừa bãi mà mình chỉ câm nín thì kém quá. Mình cũng phải góp vui cho câu chuyện sinh động”. Theo V.B, nói tục, chửi bậy nhiều thành quen miệng khó bỏ, nghe mãi nên không thấy chướng tai.
Phương Hiếu - Phương Thảo