Đây rõ ràng là động thái mà Ankara chủ đích muốn xoa dịu những lo ngại của Washington về sự hiện diện của hệ thống phòng không tiên tiến S-400 do Nga chế tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đề nghị các chuyên gia Nga đang tham gia quá trình giám sát triển khai công nghệ của hệ thống phòng không S-400 mà Moscow bán cho Ankara “trở về quê nhà”.
Thông báo trên được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels vào giữa tháng 6 tới, một tín hiệu cho thấy Ankara sẵn sàng thỏa hiệp với Mỹ.
Đây rõ ràng là động thái mà Ankara chủ đích thực hiện để xoa dịu những lo ngại của Washington về sự hiện diện của hệ thống phòng không tiên tiến S-400 do Nga chế tạo trên lãnh thổ một quốc gia đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Washington đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ nên chấm dứt sự có mặt của các chuyên gia Nga ở nước này trong khuôn khổ thỏa thuận giúp đào tạo và lắp ráp tên lửa S-400 cho Ankara.
Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vẫn tuyên bố rất quả quyết, rằng hệ thống S-400 sẽ luôn nằm dưới sự kiểm soát của Ankara ngay cả khi các chuyên gia Nga rời đi.
Điều đó cho thấy Ankara sẽ vẫn giữ lập trường riêng của mình, không thay đổi trước yêu cầu của Washington về việc loại bỏ tên lửa S-400 để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt có liên quan.
“S-400 sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát 100% của chúng tôi. Chúng tôi đã cử nhiều kỹ thuật viên đi đào tạo. Các chuyên gia quân sự Nga sẽ không ở lại Thổ Nhĩ Kỳ nữa”, ông Cavusoglu cho biết trong chuyến thăm tới Hy Lạp được kênh truyền hình nhà nước TRT đưa tin hôm thứ Hai.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cavusoglu từ chối yêu cầu của Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ không kích hoạt hệ thống tên lửa S-400.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Lầu Năm Góc loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 vào năm 2019 do lo ngại về khả năng hoạt động gián điệp của Nga thông qua S-400.
Các quan chức cấp cao Mỹ đã liên tục đưa ra những cảnh báo về việc S-400 không tương thích với các hệ thống của NATO và là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh và an toàn của các nước đồng minh.
“Mỹ đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ ở các cấp lãnh đạo cấp cao nhất và trong rất nhiều dịp rằng, việc họ mua hệ thống S-400 sẽ gây nguy hiểm đến an ninh của nhân viên và công nghệ quân sự Mỹ, đồng thời lại giúp mang về nguồn thu đáng kể cho lĩnh vực quốc phòng của Nga cũng như việc Nga có thể tiếp cận các lực lượng vũ trang và công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ”, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo từng phát biểu.
“Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định mua và thử nghiệm S-400, bất chấp việc luôn có những hệ thống thay thế và tương thích với tiêu chuẩn NATO đáp ứng yêu cầu quốc phòng của họ”.
“Tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy giải quyết vấn đề S-400 ngay lập tức với sự phối hợp của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh có giá trị và là một đối tác an ninh khu vực quan trọng của Mỹ”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã “lên án và bác bỏ” các lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để chống lại quyết định này vì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của chúng ta và sẽ đáp trả theo cách thức và thời gian phù hợp”.
Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đã phóng thử tên lửa từ hệ thống phòng thủ S-400 là vào tháng 10 vừa qua. Ankara cho biết họ buộc phải mua hệ thống của Nga vì Mỹ từ chối bán tên lửa Patriot cho mình.
VietBF @ Sưu tầm