Chung quanh chúng ta luôn có xảy ra những hiện tượng lạ, rất khó giải thích. Tôi còn nhớ mấy mươi năm trước ở Vũng Tàu, tôi cùng với hai người bạn, Hồ Thu và Bình đi đám tang em gái của một người quen gốc Khmer, nghe nói bị
"cô" ở một cái miễu nào đó
"nhập vô", bị bệnh, và sau đó đã chết.
Tôi cũng có một người anh, trước năm 1975 đăng hết sắc lính này đến sắc lính khác, học võ, chơi bùa ngải, xăm mình, vẽ bùa chú, chữ Miên dính đầy người. Khi anh vái vái, lẩm bẩm gì đó, thì dù có bị ai đó đánh mạnh đến mấy cũng không hề biết đau. Nhưng về sau, lúc ngủ thường ú ớ, kêu la. Anh nói
"bị nhiều người theo đuổi đánh". Cuối cùng anh đã nhảy sông tự tử ở cầu Nhị Thiên Đường, Sài Gòn. Bản thân tôi, với khí chất mạnh mẽ, thần kinh khá vững vàng, khi còn trẻ vốn không sợ bất cứ điều gì. Có thể đi đêm vào rừng vắng một mình, có thể ngủ nơi người ta đồn thổi có ma quỷ, nhiều người bị nhát. Người ta nói tôi thuộc dạng
"nặng bóng vía".
Theo dân gian, người
"nặng vía" hay
"yếu vía" là người có nguồn khí âm dương trong cơ thể bị chênh lệch với nhau. Nếu trong cơ thể chứa phần âm nhiều hơn dương thì người này sẽ là một người
"bị yếu bóng vía". Khi gặp chuyện bất ngờ, sợ hãi cao độ thì người
yếu bóng vía sẽ liền bị thất thần đến mức phải ngất xỉu. Không những vậy,
người yếu vía rất khó tập trung đầu óc vào vấn đề chính, hay bị đãng trí và lơ là trong nhiều việc. Đặc biệt là
người yếu bóng vía rất dễ nhìn thấy người cõi âm. Nếu trong cơ thể chứa phần dương nhiều hơn phần âm thì ngược lại, người này là
"người nặng vía". Những người như vậy rất mạnh mẽ, không bao giờ nhìn thấy người ở cõi âm.
Cũng có thể người thường bị ma nhập là một dạng bị thần kinh nhẹ, kiểu
"tâm thần phân liệt". Trên thực tế thì thường mấy người làm nghề ngồi đồng bóng, thường
"gọi vong", "lên đồng" để cho người đã khuất nhập vào thân xác mình, liệu không biết có thật hay không.
Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng trong làng giải trí Việt không ít lần lên tiếng về việc bị
"dính ngải đả". Một
"siêu mẫu" nọ trong một vụ tai nạn hi hữu ở Sài Gòn, cảm thấy rất mơ hồ không hiểu việc gì đã xảy ra cho mình trước khi gặp tai nạn, cũng không biết lý do tại sao mà khiến cho cô từ người cầm lái chuyển thành người ngồi ghế phụ, có thể cô
"bị ngải ếm khiến cho tạm thời bị mất đi ý thức"?.
Lại có một nữ ca sĩ nổi tiếng khác lại cho rằng mình đã bị dính bùa ngải. Cô này nói rằng:
"Đầu tiên là xương bả vai của tôi bị nhức mỏi liên tục gần một tháng, khi tôi ngồi vai cứ rút lại, uống thuốc gì cũng chẳng đỡ. Sau đó, đầu tôi bị đau như có ai cầm đinh đóng vào, mắt tự dưng bị mờ và hai tai lại thông với nhau, lúc nào cũng nghe tiếng ù ù trong đầu… Có lúc giọng khản đặc không hát được ra hơi, toàn là tiếng gió, một nốt nhạc cao cũng không cất lên được…". Cô đi tìm gặp thầy thì phát hiện ra, đã bị một người bạn khác cũng là ca sĩ cho
"trù ếm".
Một ca sĩ, diễn viên khác lại lên báo nói:
"Có người bỏ bùa hại tôi", để tranh giành vai chính trong một bộ phim. Gần đến ngày bấm máy, cơ thể cô bị suy nhược hoàn toàn, thường xuyên bị mắc chứng đau bụng, khi đi hát bị ngất xỉu trên sân khấu, nhưng đi khám rất nhiều bệnh viện đều không thể tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng, đạo diễn đã cắt vai vì cô không đủ sức khỏe để đóng. Sau đó, cô mới biết đã bị dính
"bùa ngải Trà Vinh". Một vị thầy được cậy nhờ đến giúp, mới phá bỏ được bùa yểm, sau đó nữ ca sĩ thấy mình nhẹ nhõm, những cơn đau bụng không còn xuất hiện nữa. Cô còn chỉ ra cái hình xăm ngay sau gáy mình là tên của vị sư, nhằm tri ân người đã cứu sống cô trong lần gặp nạn lớn này.
Rồi chuyện bị
"ngải quật", một anh ca sĩ nọ khẳng định mình có chơi ngải và bị quật:
"Tôi đột ngột bị mất sức khỏe, dường như mọi sức lực đều đã biến mất. Từ một thanh niên khỏe mạnh, tôi bỗng dưng ốm o gầy mòn, từ gần 70 kg chỉ còn dưới 50 kg. Ai cũng đồn tôi bị nghiện ngập, bệnh tật này nọ dù tôi không có hút thuốc, không có uống rượu. Tôi ngủ không được, ăn không vào, ru rú trong phòng suốt ngày suốt đêm không ra đường. Cứ thấy ánh sáng là tôi bỏ chạy như người bị bệnh dại và mỗi lần tôi định quay trở lại sân khấu là mỗi lần bị phá".
Một ca sĩ khác nổi danh, từng lên như diều gặp gió, nhưng có lúc đột ngột bị xuống phong độ, liên tiếp đưa mình vào những rắc rối có dính líu đến phát ngôn, cách hành xử. Như việc chủ động hôn môi với một nhà sư, lộng ngôn với một nhạc sĩ nhiều tuổi, hóa trang làm một bác sĩ máu lạnh giết người… Nhiều người cho rằng, anh bị
"ngải quật", nên không làm chủ được bản thân, và mới có hành vi lạ đời, gây ra phẫn nộ trong dư luận, thậm chí nhận được sự nhắc nhở của
"Cục nghệ thuật biểu diễn" với lời cảnh cáo:
"Nếu còn tiếp tục sẽ đối diện với lệnh cấm biểu diễn".
Vậy bùa chú, ngải yêu là cái gì?
Bùa ngải là những vật dụng, tờ giấy được yểm các hương linh, cô hồn vất vưởng (Minh họa)
Bùa, bùa chú hay bùa ngải là tên gọi chung của các loại vật dụng, thông thường là giấy có viết các ký tự như Hán tự, các hình vẽ. Chúng được các thầy trừ tà, phù thủy tạo ra mục đích tốt là trấn yểm, trừ tà, hoặc với mục đích xấu làm hại người khác. Như
"phù lục" là những loại bùa giấy của Tàu, hoặc bùa hộ mệnh hoặc
"thần chú" nhằm kích hoạt hiệu ứng ma thuật trên người hoặc đồ vật. Nói chung, bùa là một loại chữ viết tượng trưng cho một sự điều khiển vô hình với các thế lực siêu nhiên tùy theo mục đích của người tạo ra lá bùa.
Bùa chú
Ngải thuộc họ thực vật, có củ, là một thứ thuốc mà người ta tin rằng uống vào thì bị mê hoặc, bị mắc ngải. Ngoài ra còn một thứ cây khác cũng thuộc giống ngải như cây nghệ, gừng, lá lớn cũ lớn, những loại cây cỏ có mùi thơm lạ ở rừng núi hoang vu, nơi thâm sơn cùng cốc, tồn tại lâu năm ở những nơi chướng khí cao, là nơi các loài yêu ma quỷ quái rất thích cư ngụ ẩn náu. Ngải là những loại cây có tâm linh được các pháp sư dùng quyền phép truyền vào. Theo dân gian tương truyền, các thầy pháp sư, thầy nuôi ngải phải dùng máu động vật, hoặc máu của mình để nuôi ngải, tắm cho ngải, cho ngải ăn vào giờ nhất định trong ngày, đọc thần chú khi cho ngải ăn để luyện ngải.
Bùa ngải là một trong những hình thức cho triển khai huyền thuật. Bùa ngải khởi thủy nhằm trị bệnh, trừ tà ma, sau bị một số người ác tâm sử dụng cho mục đích xấu. Bùa ngải nói chung cho sử dụng với đủ thứ chất liệu từ cây cỏ đến vật dụng, tùy theo phép yểm và mục đích. Lá bùa có loại nhỏ bằng ngón tay, có loại to như mặt bàn. Có loại được chôn, loại phải đốt, loại để uống, thật là vô hình vạn trạng.
Ở miền Nam, huyền thuật chủ yếu thịnh hành dòng Nam tông, đặc biệt là bùa chú của Thái hoặc Miên. Trong đó, phương pháp
"trù ếm" được sử dụng nhiều nhất là
"hình nộm thế thân", với chiêu thức tàn độc nhắm đến người bị sát hại, bằng cách đâm, cắt, bẻ gãy, dìm nước. Những người ếm bùa ngải cho rằng người bị ếm không chỉ bị tán gia bại sản mà tinh thần, thể xác còn bị tổn hại nặng nề.

(Minh họa)
Bùa ngải là phép thuật thần thông, là huyền thuật có lịch sử ít nhất 8,000 năm, bất cứ tôn giáo nào, dân tộc nào cũng có huyền thuật. Các loại bùa ngải thường gặp, có thể kể đến các dòng
"Nam tông" có nguồn gốc từ Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia hoặc dòng
"Tiên đạo" ở TQ, Tây Tạng hay
"huyền thuật" của các dân tộc thiểu số ở vùng cao. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều loại bùa ngải, huyền thuật nội sinh hoặc được du nhập từ nhiều nơi khác.