Cố vấn thương mại của Tổng Thống Trump ông Peter Navarro nói rằng, Việt Nam chỉ đề nghị mức thuế 0% đối với hàng hóa Mỹ nhập cảng thì vẫn không đủ để gỡ bỏ mức thuế đối xứng mà Hoa Kỳ ra đòn là 46%.
"Hãy lấy trường hợp Việt Nam để nói. Khi họ đến thương thuyết với chúng ta rồi nói: 'Hai bên đều xóa bỏ hàng rào thuế quan hàng hóa nhập cảng của nhau'. Điều này không có nghĩa gì với chúng ta vì những chiêu trò lừa gạt ngoài mức thuế mới là điểm cốt lõi".
Khách hàng đang lựa chọn giày Adiddas tại một cửa tiệm ở Miami, Florida. Adiddas là một trong những công ty sản xuất giày tại Việt Nam rồi cho xuất cảng sang Mỹ và thế giới. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)
Đài truyền hình
CNBC hôm thứ Hai, 7 tháng Tư, trích dẫn lời ông Peter Navarro, cố vấn của Tổng Thống Donald Trump về chính sách ngoại thương, và cho biết ông này đã nói như vậy trên chương trình
"Squawk Box". (Nghĩa đen của chữ "squawk" là tranh cãi, kêu la om sòm, chữ tượng thanh như vịt kêu).
Ngày 2 tháng Tư vừa qua, Tổng thống Trump có họp báo ở Tòa Bạch Ốc và cho công bố bảng
"thuế quan đối xứng" với hầu hết tất cả các đối tác thương mại trên thế giới mà ông cho là
"không công bằng". Các quốc gia lớn nhỏ, nhất là các đối tác thương mại lớn của Mỹ từ khắp nơi đã xuất cảng ồ ạt đủ mọi thứ sang Mỹ nhưng ngược lại đã mua rất ít hàng Mỹ, gây ra sự thua thiệt trầm trọng cho nền kinh tế Mỹ.
Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ và có tỷ lệ thặng dư thương mại với Mỹ đứng hàng thứ ba trên thế giới, với 123,46 tỷ USD, chỉ sau TQ và Mexico, theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê Mỹ. Trong khi đó, họ chỉ nhập cảng từ Mỹ có 13,1 tỷ USD, dẫn đến quyết định cho đánh 46% mức thuế đối xứng cho hàng hóa Việt Nam.
Mức thuế đối xứng của Mỹ dự trù sẹ được áp dụng từ ngày 9/4 tới đây sẽ là đại họa cho nền kinh tế của Việt Nam, vốn trông nhờ phần lớn vào việc xuất cảng hàng hóa từ khu vực ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam, để có thể tồn tại và tăng trưởng. Vì vậy, ngày 4/4, sau các cuộc họp khẩn cấp tìm biện pháp đối phó, Tổng bí thư CSVN Tô Lâm đã gọi điện thoại cho Tổng thống Trump đề nghị xóa bỏ mức thuế cho hàng hóa của hai nước xuất cảng sang thị trường của nhau.
Ông Trump ngay sau cuộc điện đàm đã viết phản ứng trên mạng X rằng, ông đã có một cuộc cuộc điện đàm "hiệu quả" với phía Việt Nam và ông sẽ gặp ông Tô Lâm trong tương lai gần để thảo luận thêm. Đêm thứ Bảy, 5 tháng Tư, Hà Nội đã cho cử ngay một phái đoàn do ông Phó Thủ tướng Hồ Đức Phước sang Washington đển đàm phán về đề nghị của ông Tô Lâm.
Theo nhận định của ông Navarro phát biểu trên đài CNBC, đàm phán với phía Việt Nam về thuế không phải là điểm chính yếu. Những thứ không phải là thuế mà Việt Nam đang tiến hành nhằm qua mặt Mỹ mới là vấn đề cốt lõi quan trọng hơn. Ông nêu ra ba thứ
"lừa gạt" (cheating) gây ra thiệt hại cho Mỹ là hàng hóa TQ được đóng mác sản xuất tại Việt Nam để tránh mức thuế trừng phạt, nạn ăn cắp tài sản trí tuệ và thuế
"trị giá gia tăng" (value-added tax) (TGGT).
Bởi vậy, theo ông Navarro, chuyện đàm phán về thuế chỉ là sự
"khởi điểm nhỏ bé để được bắt đầu".
Từ khi ông Trump loan báo mức thuế đối xứng với các nước đối tác thương mại, thị trường tài chính khắp nơi bị hoảng loạn. Không những ở Mỹ, Âu Châu, Á Châu mà cũng như tại Việt Nam. Một số chuyên gia phân tích báo động cho biết, giới đầu tư ngoại quốc sẽ lũ lượt bỏ chạy ra khỏi Việt Nam khiến cho hàng triệu nhân công bị thất nghiệp và nền kinh tế nước này khó tránh sự lao dốc.
Những công ty đầu tư sản xuất tại Việt Nam như hãng Nike chẳng hạn, chứng khoán bị mất điểm thảm hại trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tại Việt Nam, sau khi ông Trump loan báo thuế đối xứng, báo Tuổi Trẻ nói thị trường chứng khoán đã bị
"bốc hơi" 61 điểm hôm 3 tháng Tư chỉ sau 10 phút được mở cửa.
Không những hàng trăm công ty từ TQ chạy sang Việt Nam mở hãng xưởng sản xuất từ quần áo giày dép đến tấm pin năng lượng mặt trời (solar panels), các công ty của Việt Nam cũng mua đồ phụ tùng từ TQ rồi cho lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, xuất cảng sang Mỹ. Đối chiếu thống kê của Hải Quan Việt Nam với TQ thì Hoa Kỳ đã nhìn thấy ngay trò trốn thuế trừng phạt của giới tư bản TQ.
Còn về thuế TGGT, loại thuế này được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng trong đó có Việt Nam, tương tự như
"thuế tiêu thụ" (sale tax) ở Mỹ. Chính phủ Washington cho rằng loại thuế này cũng phải được coi là rào cản thương mại không thể chấp nhận được.
"Chúng tôi đã cố gắng thúc giục họ tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) từ những năm thời thập niên 1970 để yêu cầu được giảm bớt thuế TGGT (ở Mỹ gọi là VAT – Value -added tax) và họ đã trả lời là 'KHÔNG' đổi với chúng tôi mỗi khi được yêu cầu", ông Navarro có nói trên đài CNBC ngày thứ Hai, 7 tháng Tư.
Tàu chở hàng xuất cảng từ Việt Nam trên đường rời cảng Tân Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)
Theo ông cố vấn Navarro trong cuộc phỏng vấn vừa kể, thuế TGGT sẽ là đề tài trong tất cả các cuộc đàm pháp chung quanh vấn đề thuế với cả Liên Âu (chứ không riêng gì với Việt Nam).
Trong cuộc họp trực tuyến với
"các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế" chiều tối ngày 7 tháng Tư, báo mạng của nhà cầm quyền trung ương CSVN khoe rằng lời đề nghị đàm phán đưa thuế quan với Mỹ về 0% đã kéo 50 nước trên thế giới theo chân.
Nay ông Navarro, người đứng đằng sau chiến lược kinh tế tài chính của Tổng Thống Trump nêu ra những cái nhức đầu lớn hơn cho CSVN. Gần đây, nhiều chuyên gia phân tích thời sự trong và ngoài nước đã liệt kê ra những điều đó và đưa ra khuyến cáo nhưng không thấy CSVN có phản ứng nào.