Phí Ngọc Hùng
Đếm sổ đọan trường có đến hơn 20 bài viết về những quán cà phê Sài Gòn. Và bài viết này được phỏng theo những tác giả như : Văn Lang, Uyên Giang, Lâm Thiếu Mai, Hoàng Châu, Nguyễn Quốc Trụ, Đào Vũ Anh Hùng, Võ thị Điềm Đạm, Võ Phiến và nhiều nữa, nhiều như những quán cà phê Sài Gòn ngày nào vậy .
…
. Bỏ cà phê… đen như mõm chó ở cái quán liêu xiêu ngoài Hà Nội , vào Sài Gòn và bây giờ tao đang ngồi đây, xưa kia một thời mang cái tên là hồ Con Rùa, nằm chình ình trên con đường Duy Tân cây dài bóng mát và ở đấy nay có quán cà phê 47. Quán nằm trong con hẻm rộng có căn nhà của người Trịnh Công Sơn, thế nên người Hà Nội thấy sang bắt quàng làm họ và gọi là : hẻm Trịnh. Khách vãng lai không ngoài nhà văn Nguyễn Đạt, họa sĩ Trịnh Cung, gần đây có thêm Đỗ Hoàng Diệu với Bóng Đè.
Chưa hết, sau cái ngày một vũng tang thương nước lộn trời với một cái chấm hết, gần Bến Tắm Ngựa, Tân Định có quán Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư. Ông vứt bỏ áo nâu sòng, với điếu thuốc dang dở cháy đỏ giữa hai ngón tay, như chưa tàn cuộc phù vân, ông ngồi lặng lẽ ngắm những viên đá đang tan chẩy trong ly cà phê. Mỗi giọt nước đọng vẽ vời những ẩn mật vô ngôn, đá trầm mặc từ từ tan lõang để tìm về bản thể long lanh của minh, chẳng biết đá tồn tại không tồn tại. Chỉ còn lại một làn hơi bảng lảng giữa quá khứ và hiện tại. Nhưng nói thẳng mực tầu đau lòng gỗ thì chạy trời không khỏi nắng: Ấy lại là quán cà phê…bí tất, thưa mày.
Như bị bóng đè, tao thả hồn về Sài Gòn 54 “ri cư” và lớn lên với những con ngõ xôn xao, nằm trong thành phố lớn cùng vài quán cà phê đầu đời… Nhà tao ở ngay đường Nguyễn Tri Phương, để chẳng bao giờ quên thằng “Băc kỳ ăn cá rô cây…” có tâm hồn ăn uống : Ăn thì tao xớ rớ ba thứ tầm ruộc, xoài tượng. Uống thì chộn rộn mút cục đá nhận bạc hà, đến trơ cái lạnh, nhạt trên đầu lưỡi. Vậy mà lớ ngớ đi vớt nòng nọc ở cái rãnh thóat nước trước cư xá sinh viên Minh Mạng. Tao thấy tại cái quán chệt xập sệ của một lão Tầu già, lão cầm cái vợt, giống như miếng vải buộc vào đầu đũa để bắt lăng quăng của tụi tao. Nhưng dòm giống “cái vó” đánh dậm, vớt tôm bắt ốc của người Bắc mình. Thế rồi lão đổ nước sôi vào, nước chẩy tong tong thấy sướng con mắt, những giọt nước mầu đen bốc khói thơm lừng. Và tao ngớ ra chẳng hiểu là cái chết tiệt gì. Khỉ thế đấy.
Mãi cho đến năm trung học, mầy mò ra cái quán Năm Dưỡng khu Bàn Cờ, lúc ấy tao mới chừng ngộ ra “cái vó” được gọi với cái tên rất Tây là “cà phê bí tất”, đĩa cà phê đen nông tè gọi là “xây chừng”, thêm tí sữa kêu là “pạc xẩy”. Thế đó. Thế nhưng chẳng có hơi hướng cà phê quái gì.
Đúng ra lão bỏ trái điệp rang hay gạo bắp vào cái túi vải dài giống như chiếc vớ, chế nước sôi vào cho ngấm, gạn lọc đổ vào chai la-de trái dứa xanh lè (y trang như người Hà Nôi ở khúc trên). Nốc vào tao còn nhớ mãi cái mùi ngai ngái như mùi bọ xít, hăng hăng khét đằng. Vừa uống vừa lấy cái của nợ…mà Nam kêu là muỗng, Bắc gọi là cái cù dìa, để vớt những cặn bã đen như vỏ cây bị đốt, nên chả thống khoái gì sất cả.
Nhân chuyện thổ âm với thổ ngơi, người Bắc với người Nam, hoài cố nhân qua cà phê thì tao trộm nghĩ rằng chẳng thể vắng bóng người Bình Nguyên Lộc. Trong “Hồn Ma Cũ”, chẳng mầu mè ba lá hẹ gì sất cả, ông kêu đại cái giống này là cà phê…“cắc chú” thế mới cha đời, chữ nghĩa miệt vườn như vậy là…nhứt. Và mày hãy ngồi đồng để ông kể chuyện uống cà phê “cắc chú” bên lề đường cho mà nghe, cho đã : “Hai chân len lén rút ra khỏi đôi dép da, đạp lên cái ghế con bỏ trống bên cạnh, hay gác lên bờ tường thấp. Ngả người trên lưng ghế, ngước nhìn lên trời. Bầu trời vắng vẻ cao vời vợi, chuyện cũ dâng lên trong ký ức, lan man… Cà phê tất nhiên chỉ là cái cớ. Không có cà phê ta vẫn có thể…len lén tự rút mình ra khỏi cuộc sống, ra khỏi đôi đép…Ngày nào cũng thế, khách ngồi đó như…vị tiên bất tử. Khách hết lớp này lớp kia ra vào, y như các thế hệ nối tiếp nhau mọc trên dương thế, ngồi ngoài càn khôn mà nhìn vào kiếp sống phù du này.”
Nghe “phê” không mày…Ấy đấy, dạo đó tao như “khách” uống cà phê của Bình Nguyên Lộc, ngồi chơ vơ giữa phố thị, giữa trời đất mang mang ai người tri kỷ. Và chỉ khác một điều là, còn bé tí, vậy mà những điếu thuốc đầu đời được đốt lên, thông cảm đi, tập làm người lớn mà mày…
Ít lâu sau như dế mèn phiêu lưu ký, với cái xe đạp Sterling khuân từ Hà Nội nghìn năm mây bay vào, tao thả dọc theo đường Nguyễn Thiện Thuật và táp vào một con ngõ nhỏ với quán cà phê Phong của một cụ phán Bắc kỳ ri cư về hưu. Đúng ra là tên Foóng, là kỳ nhân dị tướng, thế nên cụ cũng khác người, khách tới nhằm lúc cụ đang bình cờ, gài thế thì khách mặc khách, cụ cứ nhàn nhã tiến quân xe, lùi quân pháo cho đến lúc tàn cuộc binh đao, cụ mới thủng thẳng làm cho một tách. Gặp lúc cờ đang dở cuộc không còn nước, cứ ngồi đó mà nhỏng tai nghe cái máy phát thanh gỗ hiệu Phillips qua giọng hát của Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết lê thê…với Đêm Tàn Bến Ngự.
Như trên tao đã vung vãi, âm thanh là một phần của một quãng đời, bám cứng không rời, để thành hoài niệm, rồi từ cái quán trong ngõ hẹp này về sau, những cái tên của bản nhạc như đánh dấu cái mốc của thời gian với Chuyến Đò Vĩ Tuyến của Lam Phương “Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai mầu.. “. Hướng về Hà Nội của Hòang Dương “Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê. Tóc thề thả gió lê thê. Biết đâu ngày ấy anh về…”. Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội, thơ Hòang Anh Tuấn, Phạm Đình Chương phổ nhạc “Mưa hoàng hôn trên thành phố heo may vào hồn…”. Nhạc vàng, nhạc xanh như lá đổ muông chiều, cứ ối ra cả đấy trong quán cà phê của Sài gòn đầu đường cuối ngõ. Tao sẽ hầu chuyện mày ở khúc sau.
Vì vậy có thể nói quán đầu tiền trong ngõ của Sai Gòn là quán Phong. Để rồi Sài Gòn ngày ấy là vùng đất mới đang cần phải khai phá, thế là vẫn với con ngựa sắt tao buồn tình ghé Phan Đình Phùng, tao… tìm ra quán Gíó Bắc. Mãi gần đây, ghe ông cậu vợ kể chuyện một thuở hòang kim Sài Gòn 54 với quán này có cái máy đĩa lên dây thiều quay tay hiệu Béka từ năm 1938 với cái kim nhọn hoắt, biểu tượng là con chó Fox nhỏ, tai to ngồi bên cái loa, cái đĩa 45 tua với bản J’ai deux amours.
Riêng ông chủ ngoài có bộ râu con kiến như Clark Gable, ông còn có cô con gái rượu và…hai cây si trồng trong chậu ngay trước quán. Và cái hình tượng nhẩy nhót trong đầu tao chẳng phải là quán Gió Bắc, Gió Nam mà là chiếc xe Renault con cóc hai mầu xanh vàng của miền Nam mưa gió hai mùa.
Ông cậu vợ “nhắc nhớ” đến phở Tầu Bay, rằng sáng sáng ông tạt vào làm một bát tái trần nước béo và ngó qua cũng một con ngõ nhỏ sâu thẳm, bên cạnh có một hàng bánh cuốn, trên bàn bầy mấy đĩa bán rán như…đợi ruồi. Và có một hàng cà phê. Sau này qua điển tích, điển cố, tao mới hay là quán cà phê Lão Tử. Quán có cái tên này vì người chủ quán nhân hậu, chẳng bao giờ nhắc khách những nợ nần tơ vương. Khách bẽn lèn đến, ông không nói một tiếng, vẫn thong dong bình thản mang cái phin ra đặt trước mặt. Và khách đứng lên, có thiếu một phùa chăng nữa, ông cũng lặng lờ như gió thổi mây bay. Người chủ quán như thế, chẳng là Lão Tử thì còn là ai và khách đây cũng không ngòai Thế Uyên, Lê Quỳnh… Từ quán ngó qua bên kia đường Lý Thái Tổ là một cái nhà hòm với những chiếc quan tài bé con con trước cửa bệnh viện Nhi Đồng. Lại không thể không nhắc đến nhà hòm Tobia với quán cà phê Thu Hương sau này, thưa mày.
Từ phở Tầu Bay hướng về khu trường đua Phú Thọ trước kia với 10 ngàn cái lều ri cư. Bắt gặp con lộ nhỏ Đào Duy Từ ở sân vận động Cộng Hoà có quán Đa La. Quán của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh mang cái hơi hướng của núi rừng Đà Lạt với giò lan, giỏ gùi sơn nữ, tạo cho quán một dáng hoang dã với mây ngàn, cùng những thớt bàn được cưa từ những cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi cổ sơ đầy lạnh lẽo. Được mấy mùa trăng lá rừng cũng rơi rụng là có quán khác, quán này căng cái bạt nhà binh màu cứt ngựa, mặt vải vẽ sơn trắng tên Lam rất ư thư pháp của anh chị em Quốc Gia Hành Chánh. Rầm rộ khai trương rồi âm thầm đóng cửa, của người phúc ta, một nhóm Luật, Vạn Hạnh, Kiến Trúc chở củi về rừng dàn máy Akai của quán Lam. Cũng cưa sẻ mấy thân cây làm bàn ghế dựng nên quán Thằng Bờm ở ngã ba Đề Thám với Phạm Ngũ Lão. Bên kia khung trời với dăm cây số đường chim bay là quán Văn, nơi nhóm họa sĩ trẻ thường hay tụ họp cùng Khánh Ly đi chân đất hát nhạc họ Trịnh trên nền Khám Lớn cũ, bên này quán Thằng Bờm cũng sập sình với ngâm sĩ Đinh Hùng của ban Tao Đàn và cặp Lê Uyên Phương từ Đà Lạt về.
Qua bài viết có cái tựa đề : “Quán Lão Tử : Một Thời”, người viết Nguyễn Đạt muốn nhắc lại một quãng thời gian của khu lều học sinh ri cư Phú Thọ. Tiếp nối cùng Nguyễn Tiến Lập, Lưu Trọng Đạt, Nguyễn Nam Lộc, Hà Thời Triển…và ai nữa đã săn tay dựng lên quán như quán Lam, Thằng Bờm, Hầm Gió, Thượng Uyển… một thời của đám học trò di cư vào Nam nằm vào cái tuổi 11, 12. Ấy là chưa tính sổ giữa hai thập niên 60 và 70, Sài Gòn có nhiều quán cà phê mới, quán nào cũng chọn một cái tên qua những bản nhạc thời thượng như Hạ Trắng, Hương Xưa, Hoài Cảm…
Ấy đấy, Sài Gòn nhiễu nhương với thế sự thăng trầm quân mặc vấn thì nếu như mấy tiệm thịt chó ngay gần chùa, nhà thờ… Mấy quán cà phê cũng bương trải với lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng, không gần tiệm phở thì cũng ngang ngang với nhà hòm, giống như phố Hàng Hòm với tao nhân mặc khách khăn đầu rìu, quần sắn móng lợn. Nếu Hà Nội bây giờ có những quám cà phê cho những người yêu nhau trời hôm tối rồi thì Sài Gòn thưở ấy, nếu lấy con đường Lê Văn Duyệt làm làn ranh, bên này là những quán cà phê cho những cụ Bắc kỳ ri cư “Ai ra bến nước trông về Bắc – Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng”. Và bên kia là những quán cho những người trẻ tuổi đang vật vã với “Ly khách ! Ly khách ! Con đường nhỏ – Chí lớn chưa về bàn tay không”. Nhưng ấy là chuyện hậu sự, thưa mày.
Vì rằng mày cũng đã ứ hơi vời cà phê “hàm thụ” Sài Gòn. Mà nói dại chứ, nếu mày có rối rắm với cố hương nan khứ hậu nan quy, mày hãy leo lên cái xe Gobel máy đuôi cá nổ bành bạch như xích lô máy của tao để tìm về một góc Sài Gòn của những ngày tháng cũ. Ừ thì hãy bắt đầu cuộc hành hương từ trường Chu Văn An mới, dọc theo đường Minh Mạng là gặp Ngã Sáu Chợ Lớn với bến xe đò lục tỉnh, gần khu này còn có hãng Mic, Basto, hãng La-de BGI.
Dọc Phan Thanh Giản qua bệnh viện Bình Dân, chợ Vườn Chuối, mày sẽ chẳng tìm lại được mấy cái Vespas phình bụng. Cái Mobylette vàng ì ạch như ông công chức già. Cái Velo Solex với cái bầu to đùng ở phía trước. Ngay cả những chiến Honda Dame, Lambretta, Suzuky M15 này kia. Hết rồi, tất cả đã chìm trong quá vãng cùng một thời đã qua.
Tất cả chỉ còn là những cái tên, như những vang vọng như tiếng rao hàng rong của một Hà Nội 36 phố phường. Thế nhưng ai chả có quá khứ còm cõi, dù rằng chỉ có một lần phất phơ trong đời. Tao triết lý củ khoai như vậy đấy, nghe được không mày.
Tới chợ Chí Hòa, cùng những hình tượng trên, con đường nhân gian với nước chẩy qua cầu này cũng chẳng còn những chuyến xe thổ mộ cùng con ngựa già lóc cóc về ngã tư Bẩy Hiền, tất cả đã thuộc về năm tháng cùng một thời vắng bóng. Mày hỏi đường gì ấy hả…Ấy là khúc Trương Minh Giảng qua nhà thờ Ba Chuông, bên phải là mấy hàng chả thịt nướng khói bay nghi ngút thơm lừng, bên kia đường là hai, ba cái xe thịt chó treo lơ lửng mấy cái đùi trắng hếu như ếch lột. Rõ ra một ngày, lạc lối chân ai, tao lạc vào quán cà phê Thăng Long lúc nào cũng chẳng biết nữa và chỉ nhớ mài mại là quán thấp hơn mặt đường, phải bước xuống mấy bực thềm, trước có một dàn hoa giấy, quán có “dàn” phin cà phê bằng đồng chứ không phải bằng nhôm như mấy quán khác vậy thôi.
Sau quơ cào trong báo bổ tao mới hay quán có từ ngoài Bắc, theo chân vợ chồng của một ông bà di cư tên Cẩn dọn vào. Vì vậy nhạc trong quán thường là nhạc tiền chiến như Dư Âm, Nỗi Niềm Người Đi, Buồn Tàn Thu và khách quen của quán là nhà văn Nguyễn Đình Toàn, Mai Thảo, Duyên Anh.
Lại bát phố thêm một phùa nữa, từ Phan Thanh Giản rẽ phải, rải rác đâu đây một sạp báo, quầy bán thuốc lá lẻ, quầy bán vé sổ số. Tất cả đều rời rạc nhưng gắn bó trong tâm tư của những người đi xa, nếu có dịp hồi tưởng lại trong một thành phố lạ và những đường Sài Gòn xô bồ, xẻ ngang chém dọc và quan hòai là vậy đấy mày. Rồi mày sẽ suôi theo dòng đời ngược suôi với phố Lê Lợi rộng thênh thang. Thoáng qua Thanh Bạch ngập ngùi với mùi bò kho, rau húng chấm muối tiêu chanh. Để rồi thương hoài nghìn năm xe mía Viễn Đông.
Thôi thì của khôn người khó, mày và tao hãy ngụp lặn với khô bò gan vàng cháy, nằm gọn lỏn trong cái xe thùng mặt kính, đầy ắp những đu đủ xanh bào mỏng, chai dấm trắng, nước tương đỏ. Nếu mày sầu qua ngọn cỏ cùng cái chậu lõng bõng nước, cái khăn vàng ố thì bắt cái bò bía hay chuỗi phá lấu thơm phức và gan ruột phổi phèo xiên qua cây tăm tre quẹt tương đen cùng một chút hương xưa.
Mày như Từ Thức về trần, thôi thì mày và tao hãy lách vào hẻm Casino Sài Gòn, ngõ ngách Passage Eden, quán Bà Ba Bủng vớt một bát bún ốc. Cố nhân hoài cố quận, cố tìm lại hình bóng con ốc nhồi xa xưa, ở một vùng quê đất Bắc xa lắc xa lơ. Vẫn chỉ là con ốc nhồi ẩn náu dưới mớ ao bèo trên mặt ao đầy váng vậy mà ngon đáo để. Hay một tô bún riêu, một tô bún chả thơm nồng, vẫn còn một chút dư vị chợ Đồng Xuân. Hoặc giả như bát miến gà, bát bún thang, khi đã no nê, vẫn còn hơi hưóng chút thơm tho đôi ba gịt cà cuống dắt trong kẽ răng, ba bốn ngày sau vẫn còn nồng cay. Hay hòai cố hương là quán cơm Bà Cả Đọi mà tao nghe hơi nồi chõ là do Nguyển Thụy Long thấy mặt đặt tên đó mày.
Quán nằm trong một cái hẻm sâu hun hút, mâm cơm dọn trên “đi-văng” gỗ bóng mầu thời gian cũng chiếu hoa một cõi. Cùng những món rất Bắc Kỳ rau muống như thịt đông dưa chua, canh cua rau đay mồng tơi, cà pháo chấm với mắm tôm.
(còn một kỳ)
12-3-2010
P.N.H.
(theo Càphê Văn Nghệ)
|
|