Quốc hội dự kiến thu thuế trên 35 tỷ đôla
Việt Nam tiếp tục thâm hụt ngân sách trong năm 2012
Quốc hội Việt Nam trong phiên họp sáng thứ Năm ngày 10/11 đã thông qua các chỉ tiêu ngân sách chủ yếu cho năm 2012.
Theo đó, Quốc hội dự kiến trong năm 2012, tổng thu của chính phủ từ nguồn thuế là gần 763.000 tỷ đồng, tương đương với trên 35 tỷ đôla.
Quốc hội cũng dự toán chi ngân sách trên 903.000 tỷ đồng, tương đương với gần 43 tỷ đôla.
Do đó, thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm tới sẽ vào khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 4.8% tổng sản phẩm quốc nội.
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách này đã giảm được 0.1% so với năm 2011.
Để đảm bảo các mục tiêu ngân sách này, Quốc hội yêu cầu chính phủ tiếp tục thắt chặt chi tiêu, sắp xếp lại danh mục các khoản chi và chống thất thoát lãng phí.
Quốc hội cũng cho phép chính phủ huy động thêm 45.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu để đầu tư cho giao thông, y tế và giáo dục.
Trong cơ cấu chi ngân sách năm 2012, chính phủ Việt Nam sẽ dành khoảng 100.000 tỷ đồng, tức là khoảng 11% tổng chi ngân sách, để trả các khoản nợ đến hạn cũng như trả vốn vay từ viện trợ phát triển chính thức ODA.
Con số 100.000 tỷ đồng tiền trả nợ này tăng thêm 14.000 tỷ so với năm 2010.
Theo số liệu của chính phủ, nợ công của Việt Nam đến hết năm 2011 ở vào mức 54% GDP và dự kiến sẽ đạt mức 65% cho đến năm 2015.
Trong phiên họp trước đó một ngày, Quốc hội cũng thông qua các mục tiêu kinh tế xã hội cho năm 2012.
Theo đó, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP vào khoảng từ 6 đến 6,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng không tăng quá hai con số.
Lạm phát ở Việt Nam trong những tháng vừa qua có lúc vượt quá 20% và nằm trong mức cao nhất ở châu Á.
Quốc hội cũng yêu cầu chính phủ lập kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong năm sau để chuyển ̣đổi mô hình kinh tế của Việt Nam, trong đó có tái cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn với nhiều khoản nợ xấu có nguy cơ đưa các ngân hàng này vào tình cảnh vỡ nợ.
BBC
|