Sắp hết thời gian hoạt động, mỏ kim cương lớn nhất thế giới đang trong quá trình chuyển đổi thành trang trại năng lượng mặt trời công suất 4,2 triệu kWh điện mỗi năm.
Mỏ kim cương Diavik cách thành phố Yellowknife hơn 279km, trên một hòn đảo rộng 20km2 của Lac de Gras (Canada). Mỏ hoạt động từ năm 2000 và sản xuất thương mại kim cương thô từ tháng 1/2003. Đây là một trong những mỏ kim cương lớn nhất thế giới.
Dự kiến cuối năm 2026, mỏ kim cương này sẽ chấm dứt hoạt động và sau đó 3 năm sẽ đóng cửa hoàn toàn.
Để chuẩn bị cho lộ trình này, Rio Tinto - công ty khai khoáng đang quản lý, chuyển đổi mỏ thành trang trại điện mặt trời, tạo ra nguồn năng lượng sạch. Đây sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất tại Canada.
Mỏ kim cương sắp kết thúc thời gian hoạt động. Ảnh: EV
Rio Tinto đã hoàn thành việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, công suất 3,5 MW. Nhà máy điện mặt trời sẽ cung cấp tới 25% điện năng cho hoạt động của mỏ trong giai đoạn chuẩn bị đóng cửa, tạo ra điện từ ánh sáng mặt trời cũng như ánh sáng phản chiếu từ tuyết.
Với 6.620 tấm pin, trang trại điện mặt trời này tạo ra 4,2 triệu kWh điện mỗi năm. Lượng điện sạch tạo ra sẽ giúp tiết kiệm 1 triệu lít dầu diesel mỗi năm tại Diavik, giảm lượng khí thải nhà kính (GHG) xuống 2.900 tấn CO2. Con số này tương đương với việc loại bỏ 630 ô tô trên đường mỗi năm.
Dự án được hỗ trợ 3,3 triệu CAD từ Chương trình tài trợ đầu tư giảm phát thải khí nhà kính của chính quyền.
Các tấm pin mặt trời được lắp đặt. Ảnh: EV
Matthew Breen, giám đốc điều hành mỏ, cho biết nhà máy điện mặt trời là cam kết mới nhất của công ty đối với môi trường, cải thiện hiệu quả năng lượng trong hoạt động khai thác tại mỏ Diavik.
Dự án năng lượng mặt trời bổ sung nguồn điện tái tạo, cùng với nhà máy điện gió tại Diavik, hoạt động từ năm 2012. Đây là nhà máy điện gió lớn nhất ở miền Bắc Canada, tạo ra hơn 195 triệu kWh điện từ khi đi vào hoạt động.
Rio Tinto Group là công ty đa quốc gia, đặt mục tiêu giảm 50% lượng khí thải GHG phạm vi 1 và 2 vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.