Giữa tháng 8 âm lịch, giới nghệ sĩ trên toàn quốc nô nức tổ chức lễ cúng Tổ nghề, vậy Tổ nghề sân khấu là ai và lễ giỗ Tổ nghề sân khấu là ngày nào?
Vào giữa tháng 8 âm lịch hằng năm, các sân khấu lớn nhỏ trên toàn quốc đều sáng đèn để thực hiện nghi thức cúng giỗ Tổ nghề sân khấu. Hoạt động này đã nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo khán giả cả nước.
Tổ nghề sân khấu là ai?
Từ lâu trong dân gian đã lưu truyền rất nhiều giai thoại về Tổ nghề sân khấu. Giai thoại được nhiều người truyền tai nhau nhiều nhất chính là câu chuyện về 2 vị hoàng tử trẻ tuổi đam mê xem hát.Theo nhà biên kịch Chu Thơm, có rất nhiều giai thoại về ngày giỗ Tổ của ngành sân khấu Việt Nam. Một trong những giai thoại phổ biến nhất là có vị vua hiếm muộn về đường con cái, lúc có tuổi thì sinh hạ được hai vị hoàng tử khôi ngô, tuấn tú sau thời gian dài cầu xin trời Phật.
Hai hoàng tử rất mê ca hát, không quan tâm tới việc triều chính. Họ qua đời vào ngày 12/8 âm lịch, trong một lần trốn cha đi coi hát. Linh hồn của họ ở lại sân khấu, độ trì cho người theo nghiệp cầm ca. Ngày họ qua đời được giới nghệ sĩ lấy làm ngày giỗ Tổ nghề.
Ngày giỗ Tổ nghề sân khấu là ngày nào?
Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ tài liệu hay nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn rằng Tổ nghề sân khấu là ai và vì sao giới nghệ sĩ lại chọn ngày 12/8 âm lịch hằng năm là ngày giỗ Tổ nghề sân khấu.
Dù vậy, biên kịch Chu Thơm cho rằng việc giỗ Tổ nghề sân khấu là nét đẹp của người nghệ sĩ: "Họ nhớ đến các bậc tiền bối, nhớ ngày giỗ Tổ, thành kính dâng lễ, mong Tổ nghề phù hộ, điều này thể hiện họ rất trân trọng công việc của mình, khát khao được cống hiến, được khẳng định bản thân trong nghề nghiệp. Đó là điều rất đáng quý.
Hơn nữa, ngày giỗ Tổ cũng là dịp họ nhìn lại mình, xem một năm qua mình đã làm được gì, đã tiến bộ tới đâu, so với các đồng nghiệp khác thế nào, từ đó càng có thêm quyết tâm trong nghề nghiệp".
Ông nhấn mạnh: "Lễ to hay lễ nhỏ không phải là yếu tố duy nhất thể hiện sự thành kính. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người nghệ sĩ. Họ luôn hướng về nghề với sự trân trọng, với khát vọng được cống hiến thì chắc chắn sẽ gặt hái được những trái ngọt".
Chính vì vậy, việc cúng giỗ Tổ nghề sân khấu vào dịp giữa tháng 8 âm lịch đã trở thành nét đẹp tâm linh, thể hiện sự tôn ti, kính ngưỡng với nghề nghiệp của giới nghệ sĩ.
Năm 2011, Thủ tướng ký quyết định ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12/8 âm lịch làm ngày Sân khấu Việt Nam. Từ đó tới nay, ngày giỗ Tổ nghề sân khấu được chính thức hóa và tổ chức long trọng trên khắp cả nước.
Không chỉ các nghệ sĩ sân khấu mà ngay cả những người hoạt động trong các loại hình biểu diễn khác như phim ảnh, ca nhạc, MC... cũng kính cẩn tham dự lễ giỗ Tổ nghề sân khấu.
|