Mưa bão kèm theo gió giật mạnh có thể gây nguy hiểm cho bất cứ ai tham gia giao thông. Những kinh nghiệm và lưu ý sau có thể sẽ giúp bạn an toàn khi tham gia giao thông ngày bão.
Trên thực tế, khi trời giông bão, chẳng ai muốn ra đường bởi an toàn nhất là ở trong nhà. Tuy nhiên, không phải ai, và không phải lúc nào cũng tránh được việc có mặt ngoài đường khi có mưa bão. Và những lúc như thế, bạn đừng bỏ qua các lưu ý:
Nếu đi xe máy:
- Hãy cố gắng tìm những cung đường cao và ít ngập nước để về nhà dù có phải đi vòng, xa hơn bình thường.
- Không nên đi sát vào lề đường quá vì nếu trời mới mưa thì bạn dễ bị va quệt vào những người tìm cách tạt vào để mặc áo mưa còn sau một thời gian mưa to, đây chính là những chỗ nước ngập sâu hơn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Nếu có thể hãy cố gắng đi ở giữa làn đường để hạn chế được nước ngập.
- Duy trì khoảng cách thích hợp đối với các xe đi trước, không nên đi quá gần các xe lớn đề phòng trường hợp xe đó phanh gấp hoặc bạn không thể nhìn thấy chướng ngại vật mà xe trước gặp phải. Không nên chạy song song với xe ô tô, đặc biệt là xe bus và các xe cỡ lớn vì bạn dễ bị ngã do sức mạnh của các sóng nước do các xe này tạo ra.
- Cố gắng giữ đều ga khi đi trên đường ngập bởi việc rồ ga và phanh gấp sẽ khiến xe bạn dễ chết máy hơn. Bạn cũng đừng cố vượt khi chưa chắc chắn về tầm nhìn cũng như khả năng tăng tốc của xe mình.
- Tránh các khu vực hút gió như giữa các khu nhà cao tầng đồng thời tránh xa các cây to đề phòng bật gốc
Nếu đi ô tô:
- Nếu muốn ngồi chờ mưa ngớt, nên tránh dừng đỗ ở những khu vực có nhiều cây to. Cố gắng tìm những cung đường cao và ít cây to dù có phải đi vòng để tránh dính ngập nước và tình trạng cây đổ, cành rơi.
- Và khi quyết định đi qua vùng ngập nước, bạn nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào thay vì qua đường khí nạp theo xe để tránh cho nước khỏi vào động cơ. Sau khi vượt qua đoạn ngập lụt, bạn có thể lắp lọc gió động cơ trở lại bình thường.
Cố gắng tìm những cung đường cao và ít cây to dù có phải đi vòng để tránh dính ngập nước và tình trạng cây đổ, cành rơi.
- Nên xem xét mức nước trước khi đi qua, mức nước an toàn là dưới 25 cm và không vượt qua tâm bánh xe, ở trên mức đó bạn không nên liều lĩnh đi qua. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.
- Khi lái xe trong vùng ngập nước, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái từ tốn. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Chú ý không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.
- Nên hạn chế đạp thốc ga vì việc tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ dẫn tới hiện tượng thủy kích làm cong tay biên.
- Khi đã đi qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.
- Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, bạn tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ.
- Khi gọi cứu hộ, tài xế cũng lưu ý nếu xe trang bị số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động cài cầu, tự động ổn định chống lật hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay).
- Nên tránh mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử.
- Luôn mang sẵn theo mình một số điện thoại cứu hộ giao thông khi cần thiết.
Theo Khánh Hòa - Laodongonline