Các nhà khoa học tin rằng, sự phát triển kinh tế đang thúc đẩy quá trình biến mất của một số ngôn ngữ trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Tatsuya Amano đến từ Đại học Cambridge (Anh) đứng đầu, phát hiện, khoảng 25% số ngôn ngữ trên thế giới đang có nguy cơ biến mất. Trong đó, quốc gia nào càng thành công về việc phát triển kinh tế, các ngôn ngữ của quốc gia đó càng có nguy cơ biến mất nhanh hơn.
Theo các chuyên gia, các ngôn ngữ thiểu số ở những khu vực phát triển nhất của thế giới, bao gồm cả Bắc Mỹ, châu Âu và Australia, đang bị đe dọa nhất.
Cụ thể là, ở Bắc Mỹ, các ngôn ngữ thiểu số, chẳng hạn như tiếng vùng thượng Tanana hiện chỉ có không đầy 25 người ở Alaska sử dụng, đang đối mặt với nguy cơ biến mất mãi mãi. Ở châu Âu, các ngôn ngữ như tiếng Ume Sami ở vùng Scandinavia hay tiếng Auvergnat ở Pháp đang mai một rất nhanh.
Các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số sống quanh dãy núi Himalaya cũng chẳng còn mấy người dùng, chẳng hạn như tiếng Bahing ở Nepal hiện ước tính chỉ còn 8 người sử dụng. Tương tự, ở các khu vực nhiệt đới, tiếng nói của một vài tộc người thiểu số đang trên đà “một đi không trở lại”.
Tiến sĩ Amano, người thường xuyên nghiên cứu về tốc độ tuyệt chủng của các loài động vật, giải thích: “Khi các nền kinh tế phát triển, một ngôn ngữ thường vươn lên thống trị các lĩnh vực chính trị và giáo dục của một quốc gia. Mọi người buộc phải chấp nhận ngôn ngữ thống trị đó hoặc có nguy cơ bị bỏ rơi trong sự ghẻ lạnh, về mặt kinh tế và chính trị”.
Ông Amano nhấn mạnh, việc các ngôn ngữ trên thế giới đang trên đà tuyệt diệt rất nhanh là vấn đề vô cùng nghiêm trọng.
Ông Amano và các cộng sự kêu gọi các nỗ lực bảo tồn khắp toàn cầu, tập trung vào những ngôn ngữ bị đe dọa nhất. Họ nói, công cuộc gìn giữ ngôn ngữ xứ Wales ở Anh là ví dụ điển hình về một chiến lược bảo tồn tiếng nói dân tộc thiểu số tốt, đáng để các nước khác học hỏi.
Vietnamnet / BBC