Chiều 6.6, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 4 bị can, gồm: Nguyễn Phước Tường (45 tuổi, ngụ Q.5), Bùi Anh Tuấn (37 tuổi, ngụ Q.1, cả hai đều là nhân viên hải quan của Cục Hải quan TP.HCM); Tạ Quang Trình (38 tuổi, ngụ Q.7, nhân viên dịch vụ truyền dữ liệu tại cảng VICT), Châu Thanh Nhàn (55 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, hành nghề dịch vụ giao nhận hàng tự do) để điều tra làm rõ về hành vi buôn lậu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt Tường - Ảnh: Đàm Huy |
Như
Thanh Niên đã thông tin, cuối năm 2013, trinh sát của PC46 phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã bắt giữ 10 container hàng lậu vừa rời khỏi cảng VICT (Q.7) với số lượng hàng hóa hơn 6,5 triệu đơn vị sản phẩm không đúng như khai báo; đặc biệt một lượng lớn mặt hàng cấm... tổng trị giá hơn 37 tỉ đồng. Số hàng này do Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (cư xá Bình Thới, P.8, Q.11) do Hồ Sấm Dũng (37 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) làm giám đốc và Công ty TNHH TM - XNK Nhất Minh (Q.6) do Hồ Thị Thu Sang (25 tuổi, ngụ Q.6) làm giám đốc, nhập về. Qua xác minh, đã phát hiện thêm 14 container (loại 40 feet) khác cũng của 2 công ty này nhập về tại cảng VICT. Bị phát hiện, Dũng, Sang đã bỏ trốn.
Cơ quan CSĐT đã xác định Lâm Lương Quang (Giám đốc Công ty TNHH TM DV SX Hùng Cường, trụ sở ở P.8, Q.5) là người trực tiếp tổ chức thực hiện toàn bộ hành vi buôn lậu với sự giúp sức của nhiều đồng bọn nên ngày 7.3 đã bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra. Mở rộng điều tra vụ án, đến nay, PC46 đã đồng loạt bắt tạm giam các bị can nói trên.
Theo tài liệu điều tra ban đầu của cơ quan công an, Quang là người đứng tên nhận hàng 10 container nói trên nhưng y đưa 10 triệu đồng cho Nhàn cùng 10 bộ hồ sơ, giấy giới thiệu đã ký khống của Dũng, Sang đến cảng làm thủ tục thông quan lấy hàng. Sau đó, Nhàn đã giao hồ sơ giấy tờ cho Trình làm thủ tục truyền dữ liệu khai báo hải quan điện tử. Trình khai nhận: Thực hiện chỉ đạo của Tường, Trình đã yêu cầu ông P.V.C (được Nhàn thuê làm việc, trả công) thực hiện việc cắt seal, rạch thùng hàng trong 10 container, chứ không phải do công chức hải quan trực tiếp làm. Mặc dù không tham gia kiểm hóa, Nhàn vẫn ký khống xác nhận đã tham gia kiểm hóa tạo điều kiện cho Quang và hải quan ký xác nhận kiểm hóa giả mạo, thông quan hàng loạt container hàng nhập lậu.
Quang, Trình cùng một số người liên quan khai nhận: Tường không thực hiện kiểm hóa đúng theo quy định. Trước đó, Tường đã có mối quan hệ, móc nối với một số người làm thủ tục nhập khẩu để không kiểm hóa, ký hồ sơ hợp thức hóa giả tạo... Riêng Tuấn đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, bỏ mặc cho Tường câu kết với nhóm người buôn lậu, ký khống xác nhận việc kiểm hóa. Hiện vụ việc đang được cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra làm rõ.
Ngoài ra, qua rà soát, Cục hải quan TP.HCM cho biết, trước khi 10 container bị bắt giữ quả tang vào ngày 30.12.2013, trước đó (từ ngày 9.11.2013), Công ty Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt và Công ty Nhất Minh đã được thông quan 58 tờ khai hải quan hàng nhập khẩu tương tự qua cửa khẩu cảng Vict, Q.7, TP.HCM.
|
Đàm Huy
Thanhnien